05 CÁCH MÀ CON NGƯỜI PHẢN ỨNG LẠI SỰ LO ÂU
Đôi khi bạn coi những nỗi lo là một dự đoán quan trọng về hiểm nguy. Có vẻ đối với bạn, những suy nghĩ như "Nhỡ mình bị mất việc thì sao? hay Nhỡ mình bị ung thư thì sao?" là những lời cảnh báo hợp lí về vấn đề với công việc hay với sức khỏe của bạn, một dấu hiệu của rắc rối ở thế giới bên ngoài.
Để phản ứng lại, bạn cố gắng bảo vệ bản thân khỏi nguy hiểm giả định đó, hoặc cố gắng chứng minh rằng không có nguy hiểm nào tồn tại, để bản thân có thể thoải mái hơn và ngừng lo lắng. Dưới đây là 05 cách mà người ta hay sử dụng để giải quyết các nỗi lo đang thường trực trong mình, hãy cùng tìm hiểu nhé.
Cách 1: Nghiên cứu trên Internet (Google)
Mạng Internet đã mở ra những biên giới mới cho những người phải vật lộn với lo âu. Trước khi có mạng Internet, bạn phải tới một thư viện hay một hiệu sách để nghiên cứu về những nỗi lo của mình. Giờ đây, chỉ với một cú click chuột, bất cứ ai cũng có thể gõ một vài từ khóa tìm kiếm và xem kết quả là như thế nào.
Thật trớ trêu là con người làm như vậy với hi vọng nhận ra rằng họ không có gì để mà lo lắng. Vì thế, nếu bạn là người lo rằng những cơn ho của mình có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư, hay thiết bị mở cửa gara của bạn có thể bị kích hoạt bởi lò vi sóng của người khác, bạn có thể sẽ lên mạng để hi vọng tìm được một trang web nói rằng điều đó không đúng. Việc này có thể hiệu quả – có khả năng bạn sẽ tìm được một vài trang web với những thông tin hữu ích.
Tuy nhiên, nếu bạn muốn loại bỏ hoàn toàn những mối nghi hoặc, nếu bạn hi vọng tìm được những bằng chứng vững chắc cho thấy bạn không bị ung thư hay cửa gara của bạn không bao giờ bị mở ra một cách tình cờ, nhiều khả năng bạn sẽ thất vọng. Mặc dù bạn rất muốn có bằng chứng tuyệt đối chứng minh rắc rối này sẽ không xảy ra bây giờ và không bao giờ xảy ra trong tương lai, nó sẽ không tồn tại, bởi chúng ta không thể chứng minh được rằng một điều gì đó sẽ không bao giờ xảy ra. Khi bạn cố gắng hết sức để được vững dạ, việc này giống như bạn hi vọng tìm được một trang web với ảnh và tên bạn trên đó, cùng một tin nhắn nói rằng bạn chắc chắn sẽ được yên ổn. Làm gì có trang web đó! Ngay cả khi nó có tồn tại, đó cũng không phải là dấu chấm hết cho mọi lo âu. Nếu từng tìm được một trang web như vậy, hẳn bạn sẽ tự hỏi rằng: “Làm sao mà họ chắc chắn được như thế?”
Cách 2: Hỏi ý kiến chuyên gia
Phương pháp này thường được áp dụng nhiều nhất đối với những vấn đề về sức khỏe, nhưng những người có một số kiểu lo âu khác – về tài chính, bất động sản, thuế má, nuôi dạy trẻ, kế hoạch sự nghiệp, vv... – cũng có thể vướng vào nó.
Nếu bạn hỏi ý kiến một chuyên gia về một nỗi lo – có thể là một bác sĩ tim mạch về trái tim của mình, một kế toán về vấn đề thuế - thường chỉ trong một lần là đủ. Trong một vài trường hợp, với những vấn đề thực sự rắc rối, có lẽ một ý kiến thứ hai là cần thiết. Nhưng nếu bạn thấy mình cứ luôn tìm kiếm vô số chuyên gia để hỏi về lo lắng của bản thân và vẫn quá lưỡng lự để có thể thực sự làm theo bất kì lời khuyên nào – nếu sau cuộc thảo luận với chuyên gia, bạn còn nhiều câu hỏi hay nhiều lí do giả định hơn để không tin vào câu trả lời mình vừa nhận được – thì có lẽ bạn đã mắc kẹt trong một vòng lặp của việc tìm kiếm ngày càng nhiều hơn những lời trấn an từ chuyên gia, và kết quả là ngày càng bất an hơn.
Cách 3: Hỏi ý kiến những “tay mơ” – bạn bè, gia đình, đồng nghiệp và hàng xóm
Bên cạnh, hoặc để thay thế, việc hỏi ý kiến chuyên gia, những người hay lo lắng thường sẽ hỏi người thân yêu, họ hàng, bạn bè và đồng nghiệp để được an lòng. Họ không hi vọng được những người này trấn an tinh thần vì những người đó có kiến thức hay chuyên môn đặc biệt về chủ đề được hỏi. Họ hỏi những người này bởi vì việc đó tiện lợi và chẳng mất gì!
Bởi vì vậy họ còn ít tin tưởng hơn vào sự an tâm nhận được từ những “công dân” này so với những ý kiến của chuyên gia. Cuộc thảo luận của họ với gia đình và bạn bè thường trở nên giống với những cuộc tranh cãi họ có trong đầu, người lo lắng cố gắng tìm ra những sai lầm trong sự an ủi vừa được đưa ra. Họ tự hỏi rằng có phải người kia chỉ nói những điều họ muốn nghe, hoặc chiều lòng họ để họ đổi chủ đề hay không. Nếu bạn có xu hướng này, có lẽ bạn không chỉ hỏi một lần. Bạn sẽ hỏi đi hỏi lại, tìm kiếm câu trả lời theo nhiều cách khác nhau để xem mình có nhận được cùng một câu trả lời hay không. “Hạn sử dụng” của sự cam đoan là rất ngắn, nó chỉ tồn tại được trong một khoảng thời gian ngắn trước khi bạn bắt đầu tìm kiếm nguồn cung mới.
Kiểu tìm kiếm sự đảm bảo này có thể là gánh nặng cho một cuộc hôn nhân, tình bạn hay những mối quan hệ khác. Người được yêu cầu đảm bảo thường sẽ ngày càng trở nên lo lắng rằng mình không thực sự biết nên làm gì thì tốt hơn – tiếp tục trả lời những câu hỏi, hay chấm dứt cuộc tranh luận và khuyến khích người hỏi tự tìm câu trả lời cho bản thân.
Cách 4: Né tránh
Một cách khác mà những người nghiêm túc với những lo âu của mình thường dùng là né tránh. Họ thường né tránh những gì khiến bản thân sợ hãi, ngay cả khi họ nhận ra những nỗi sợ hãi của mình là phóng đại hay không thực tế, và ngay cả khi sự né tránh đi cùng những bất lợi đáng kể.
Nếu sợ nói trước đám đông, nhiều khả năng bạn sẽ né tránh những lời đề nghị diễn thuyết trước một nhóm, dù là ở chỗ làm, ở trường của con bạn hay ở một tổ chức cộng đồng. Nếu sợ máy bay rơi, ngay cả khi bạn đã biết rõ số liệu cho thấy máy bay là hình thức giao thông an toàn nhất, nhiều khả năng bạn sẽ né tránh những chuyến bay hoặc phải vô cùng khó chịu mà trải qua nó, với đồ uống có cồn hoặc thuốc an thần. Lái xe trên đường cao tốc, những chú chó, thang máy, ở một mình, ngồi giữa một băng ghế trong nhà thờ – nếu bạn lo lắng về những điều này, nhiều khả năng bạn sẽ né tránh.
Đây thực sự là vấn đề khi bạn tự nhận ra rằng nỗi lo của mình dựa trên một nỗi sợ “phi lí”. “Tôi biết điều đó chẳng hợp lí tí nào,” mọi người nói. “Đó chính là điều khiến tôi phiền lòng ở những suy nghĩ đó!”
Việc nhận ra rằng những lo âu của bản thân là phóng đại hay không thực tế không giúp gì cho bạn, nếu bạn vẫn tiếp tục né tránh những nỗi sợ của mình. Nếu bạn né tránh đối tượng của những lo âu, bạn sẽ còn sợ chúng hơn. Hành động của bạn có nhiều ảnh hưởng hơn là bạn nghĩ.
Cách 5: Tái cấu trúc nhận thức đi quá xa
Nếu bạn từng làm việc cùng một nhà trị liệu sử dụng phương pháp nhận thức – hành vi, hay đọc bất kì cuốn sách self-help nào dựa trên phương pháp này, hẳn bạn từng thử tái cấu trúc nhận thức. Khi làm điều đó, bạn nhận diện những suy nghĩ sai lầm đang tiếp lửa cho những nỗi buồn bực của mình và thay thế chúng bằng những suy nghĩ thực tế hơn. Rồi bạn hi vọng rằng sẽ ít bị phiền lòng hơn bởi những suy nghĩ mới này.
Tái cấu trúc nhận thức có thể vô cùng hiệu quả với rất nhiều vấn đề. Ví dụ, một diễn giả lo lắng khi thấy trong khán giả có người đang ngáp hay nhìn vào đồng hồ, có thể sẽ nghĩ người đó làm vậy vì anh ta thấy chán, và đó là lí do khiến họ lo lắng. Tuy nhiên, nếu diễn giả có thể xem xét lại những suy nghĩ này và nhận ra rằng có rất nhiều lí do khiến thính giả đó làm như vậy – họ ngủ không ngon, phải về sớm để dự một cuộc họp... – thì họ có thể chấp nhận những cái ngáp và những lần xem giờ mà không coi đó là phản ứng tiêu cực về chất lượng bài thuyết trình của mình.
Nếu bạn muốn sử dụng phương pháp tái cấu trúc nhận thức, hãy để kết quả thu được dẫn dắt bạn. Nếu bạn thấy những phương pháp này giúp bạn nhận ra rằng mối lo của mình là phóng đại và phi thực tế, và từ đó bạn ít phiền lòng bởi chúng hơn, thì bạn đang thu được những kết quả tốt và có thể kì vọng sẽ tiếp tục được hưởng lợi ích. Tuy nhiên, nếu bạn thấy nỗ lực xác định và loại bỏ những “sai sót” trong tư duy đưa bạn đến chỗ tranh cãi nhiều hơn với suy nghĩ của mình, trong một nỗ lực xóa bỏ mọi điều mơ hồ, thì có lẽ bạn đã quá cố gắng quá thanh tẩy suy nghĩ của mình. Việc áp dụng tái cấu trúc nhận thức một cách nhẹ nhàng, thoải mái hơn có thể sẽ có hiệu quả.
Trong cuốn sách Trò bịp bợm của lo âu, Tiến sĩ Carbonell đã trình bày rất rõ ràng phương pháp Tái cấu trúc này. Tiến sĩ Carbonell có một cách diễn đạt khiến bạn chột dạ, phải cân nhắc lại những niềm tin, những thói quen đã có từ lâu. Và có mấy ai kì vọng tìm kiếm được điều gì thú vị trong một cuốn sách về chủ đề lo âu? Nhưng từ chương này đến chương khác là những ví dụ, những lời giải thích về quá trình suy nghĩ cũng như những viễn cảnh lo âu phi lí điển hình, có thể khiến ta khẽ mỉm cười khi nhận ra chúng. Những nhược điểm của một tâm trí lo âu điển hình được miêu tả một cách sắc sảo và nhẹ nhàng đến mức bạn không thể nào dừng đọc được. Và rồi ông miêu tả cách thoát khỏi vòng lặp lo âu theo một cách vừa khác thường, vừa vô cùng hợp lí.
Hy vọng bạn sẽ tìm được cho mình một phương pháp phù hợp để giải quyết những nỗi lo âu của bản thân thông qua cuốn sách Trò bịp bợm của lo âu.