Giỏ hàng

Cố kìm nén cảm xúc không phải là cách để trở nên mạnh mẽ

Nhiều lúc chúng ta bực tức, nóng giận, nổi cơn thịnh nộ, “điên cả người” và chỉ muốn nói những lời cay độc hoặc sử dụng vũ lực để giải tỏa cảm xúc. Giận dữ là một cảm xúc “rất con người”, rất bình thường và đôi khi còn khá lành mạnh. Vậy tại sao chúng ta phải kiềm chế, luôn cố gắng để tích cực. Đó chẳng khác gì giam cầm cảm xúc. Hãy luôn nhớ rằng, bạn không bao giờ có thể hoàn toàn đè nén hay ngó lơ chúng được. Những cảm xúc mà bạn cố giấu đi sẽ luôn xuất hiện theo cách này hay cách khác. Và thông thường sẽ xuất hiện dưới dạng kích động hoặc căng thẳng. 

 

Những cảm xúc bị kìm nén đi về đâu? 

Nó sẽ được tích trữ trong vô thức của con người, nơi chứa đựng những cảm xúc, ký ức và những suy nghĩ không dễ chịu và độc hại. Điều này giải thích vì sao bỗng dưng con người cảm thấy tức giận hoặc/và buồn bã. Mặt khác, có những trường hợp dẫn đến tê liệt cảm xúc. Điều này xảy ra với những người thường xuyên phải gặp những tình huống, cảm xúc không mong muốn. Căn bản thì họ đã quá quen với những điều này, và không còn ý thức rạch ròi về nó được nữa. Tuy nhiên, kể cả khi bị tê liệt cảm xúc thì cơ thể họ vẫn sẽ bị dày vò bởi cảm xúc tiêu cực đó cho đến khi chúng thực sự được giải tỏa. Vì vậy, tôi tin rằng "Chỉ cần lạc quan lên thôi" thực sự không phải lúc nào cũng là một lời khuyên hay. 

 

 

Cảm xúc là muôn mặt nên cố kìm nén chỉ để xuất hiện duy nhất một trạng thái “tích cực” trong khi ẩn đi tất cả những cảm xúc không-tích-cực khác là điều không nên. Vì làm như vậy là bạn đang tự đưa mình vào một vòng quay sự tích cực độc hại.

 

Đừng ngại thể hiện cảm xúc tiêu cực

Có lẽ cuộc sống không hào phóng những niềm vui như chúng ta vẫn hay an ủi nhau. Những lúc buồn thế, cô đơn thế, bạn lại ngồi bó gối một mình mà khóc. Nhưng nếu còn khóc được, bạn chắc cũng đã thấy nhẹ nhõm hơn đôi phần. Không khóc được, không thể chia sẻ với ai. Người bạn tin tưởng nhất, sau những tin nhắn dài gửi đi, không một lời hồi âm trở lại. Có những lúc chỉ muốn gặp nhau một lát, không chỉ vì nhớ, mà vì có những chuyện muốn người đó chia sẻ cũng mình, vì muốn họ là người biết đầu tiên. Nhưng bận, bận, và bận... luôn luôn là thế thì phải. Đến khi chúng ta đều rảnh, thì câu chuyện ấy nói ra cũng chẳng còn quan trọng nữa rồi.

 

 

Buồn và khóc là điều rất tự nhiên. Nếu không chia sẻ được với ai thì cứ tự bản thân thể hiện nó ra, không chút ngại ngần. Ví dụ, mình vừa làm sai một điều gì đó với người bạn của mình. Mình rất hối hận và buồn bã. Cảm giác buồn này đâu phải không tốt hay không đúng. 

 

Đôi khi cảm xúc tiêu cực mới là thứ khiến bạn trưởng thành hơn

Có ai bảo rằng trưởng thành qua niềm vui chưa? Chắc hẳn chúng ta luôn nghe câu nói đau để trưởng thành hay chưa một lần đau thì không thể trưởng thành. Việc trải nghiệm những cảm xúc tiêu cực chứng tỏ rằng bạn đang đối diện với những thử thách trong cuộc sống. Việc nhận dạng những cảm xúc đó là bước đầu tiên để bạn chấp nhận thực tại, vực dậy tinh thần, và tìm ra cách để vượt qua hoàn cảnh.

Nếu bạn chỉ luôn nghĩ tới tích cực và không bao giờ chấp nhận rằng bản thân bạn có một mặt khác đó là tiêu cực thì sẽ thế nào nếu một ngày, bạn phải đối diện với một sự mất mát quá sức tưởng tượng? Bạn sẽ không biết làm thế nào cả và mất phương hướng.

 

 

Nhưng nếu bạn là người hiểu rõ các cung bậc cảm xúc của mình và bạn đã học được cách kiểm soát những điều tiêu cực thì về sau, dù có chuyện gì đó không như ý xảy ra, bạn vẫn biết được cách làm thế nào để thích nghi và chống cự với nó.

 

Trân trọng từng giá trị cảm xúc tiêu cực mang lại

Không nên quá tích cực, nhưng cũng đừng quá tiêu cực. Mấu chốt ở đây không phải là kìm nén sự buồn bã của bạn mà đúng hơn là hãy bộc phát chúng ra ngoài, đón nhận chúng một cách cởi mở và học cách kiểm soát.

Khi người thân của một người bạn qua đời, bạn không thể bảo họ đừng khóc hay hãy vui lên được đúng không? Đây là một sự kiện rất đau đớn mà khó ai có thể nghĩ tích cực được. Hãy cứ để cho họ khóc, vì đôi khi khóc có thể làm họ cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Khi đến một giới hạn, họ sẽ biết dừng lại và chấp nhận.

Chẳng phải khi gặp chuyện buồn, việc khóc thật to sẽ giải tỏa được hơn là âm thầm gặm nhấm? 

Hãy cứ để cảm xúc bạn thể hiện ra đúng như những gì bạn đang cảm thấy trong lòng. Bạn muốn khóc, cứ khóc. Bạn muốn hét lên cứ hét. Bạn muốn rên rỉ, kêu gào, than vãn với bạn thân, hãy cứ làm như vậy.

Trong cuốn sách Rồi một ngày bạn sẽ hiểu của Mr. Thinker có đoạn rất hay: “Một đêm khuya thanh vắng nào đó, hãy nghĩ đến sự vất vả của mình, đến thành phố xa lạ và đến bản thân mình – một con người cô độc, ngày ngày vất vả ngược xuôi nhưng vẫn nhỏ bé như con sâu cái kiến. Để cho tiếng nói yếu đuối nhất trong lòng có cơ hội bày tỏ, chứ không phải ngày ngày giả vờ mạnh mẽ, giả vờ kiên cường. Như thế, bạn mới biết được mình là con người, dù ở trong tình cảnh thế nào, mỗi ngày đều phải sống như một con người, chứ không phải lúc nào cũng ở trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. 

Hãy cho mình một chút thời gian đa cảm, trò chuyện với trái tim mình, để cuộc sống ấm áp hơn. Nếu là như vậy, đa cảm một chút thì đã sao?

Vì vậy, chấp nhận suy nghĩ tiêu cực sẽ có lúc xuất hiện trong đầu, cho phép bản thân được gục ngã, khóc, tức giận… nhưng không để chúng kiểm soát, đấy là điều mà theo mình là tuyệt vời nhất.