Giỏ hàng

Đừng Bán Rẻ Tuổi Trẻ

“Tôi là ai giữa cuộc đời này”?

Người ta thường nói con người chỉ có thể thay đổi nếu gặp một biến cố lớn, hay một cú hích lớn mà thôi. Thế nhưng với bản thân tôi, mọi sự đều bắt đầu từ status của một người không quen thân, dòng chữ đập vào mắt khi tôi đang mải mê lướt newfeed: “Tôi là ai giữa cuộc đời này”?


Bộ Đọc Để Trưởng Thành 2


Có bao nhiêu người như tôi? Muốn một cuộc sống tương lai tốt đẹp nhưng lại không có sự chuẩn bị hành trang kiến thức, kỹ năng. Muốn có một công việc yêu thích nhưng không biết đam mê của mình là gì, ước mơ của mình ra sao, cứ ở mãi trong vùng an toàn mà không bước ra khám phá, không bước ra trải nghiệm. Nếu như tôi, bạn lấy gì để khẳng định bản thân? Lấy gì để trả lời cho câu hỏi “Bạn là ai”? “Giá trị bản thân của bạn là gì”?

Không ai trên đời này muốn mình là người vô giá trị, không ai trên đời này muốn trở thành một người kém cỏi. Bằng cách tìm câu trả lời cho câu hỏi “Tôi là ai”, tôi đã dần tìm lại được bản thân mình. Đó hẳn là một giai đoạn vô cùng khó khăn, đòi hỏi bạn phải nỗ lực tranh đấu, tranh đấu với chính bản thân mình. Tranh đấu với sự lười biếng, với thói quen trì hoãn đã ăn sâu bén rễ trong tiềm thứccủabạn. Tranh đấuvới vô vàn cám dỗ, với những áp lực khó khăn bạn chưa bao giờ gặp phải.

Tại sao chiến thắng bản thân lại là chiến thắngvẻ vang nhất, lại là chiến thắng vĩ đại nhất? Bởi nằm nhà xem phim thì có vẻ sẽ thích hơn là lên thư viện đọc sách; bởi đi chơi với chúng bạn thì chắc sẽ vui hơn là tới trung tâm học Tiếng Anh; bởi xin tiền của cha mẹ thì có lẽ sẽ dễ dàng hơn là vất vả đi làm mới kiếm được; bởi thời gian ngủ ở nhà thì dường như sẽ thoải mái hơn là đi làm tình nguyện, đi sinh hoạt câu lạc bộ, đội nhóm... Bạn sẽ phải đấu tranh với chính bản thân mình, giữa việc mình phải làm và mình thích làm, giữa việc chiều theo cảm xúc của bản thân hay hành động theo kế hoạch, mục tiêu của bạn.

Không chủ động dấn thân, không quyết tâm theo đuổi, bạn sẽ mãi mãi chẳng biết mình thích gì, giá trị của mình nằm ở đâu. Những ước mơ, những hoài bão ngày nào không được thử nghiệm, không được khai phá mà trì hoãn từ ngày này qua ngày khác thì sẽ mãi mãi nằm lại ở một xó xỉnh nào đó mang tên “hoài niệm”. Và cuối cùng, người thất bại thường thốt lên 2 tiếng “Giá như”, ôm nỗi hối hận muộn màng vì “Tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”!

Bất kì yếu tố gì cũng phải có nền tảng, quá trình rèn luyện và mài giũa phải bắt đầu từ khi còn nhỏ, từ khi mới bắt đầu có những khái niệm cơ bản về sự cố gắng, tri thức và đam mê. Chẳng có ai thành công, nổi tiếng mà không trải qua những quãng thời gian khó khăn, trên bất kì lĩnh vực nào cũng vậy. Showbiz Việt sẽ không thể có một nghệ sĩ múa tài ba như Linh Nga nếu cô không dành hơn 10 năm học tập miệt mài chuyên ngành múa ở nước ngoài, qua bao khó khăn và khổ luyện. Con người Việt sẽ không có một tiến sĩ Toán học, được cả thế giới công nhận, người Việt đầu tiên đạt giải thưởng Fields nếu như giáo sư Ngô Bảo Châu không sống vì đam mê, miệt mài vì đam mê để tìm ra công thức chứng minh ‘bổ đề cơ bản’, là phần quan trọng trong tầm nhìn về toán học mà Robert Langlands – công tác tại Viện nghiên cứu cao cấp Princeton, New Jersey, đưa ra từ những năm 1960. Thành tựu của Ngô Bảo Châu đã được tạp chí uy tín Time của Mỹ đánh giá là một trong 10 phát kiến khoa học quan trọng nhấtcủa năm 2009.


Bộ Đọc Để Trưởng Thành 2


Bán rẻ thời gian, sức khoẻ, nhiệt huyết và hoài bão của tuổi trẻ

Không khó để bất kì một bạn sinh viên nào có thể tìm được một công việc bán thời gian tại một quán ăn uống hoặc một cửa hàng quần áo thời trang ở các thành phố lớn như Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh với mức lương khoảng 8.000 – 12.000 đồng/giờ. Phải khẳng định rằng, việc các bạn trẻ có trách nhiệm với cuộc sống của mình, làm việc lương thiện để kiếm sống, có tiền trang trải tiền học, tiền nhà,… là rất đáng quý!

Việc có một công việc để nuôi sống bản thân, hạ bớt gánh nặng cho gia đình là một việc đáng trân trọng mà một người trẻ có thể làm được. Việc này tốt hơn rất nhiều so với những người đang lãng phí thời gian tuổi trẻ để hưởng thụ, để phung phí.

Tuy nhiên, bạn ạ, nếu bạn đang ở độ tuổi 18-22, cái độ tuổi sinh viên chưa ra trường, bạn hoàn toàn nên suy nghĩ kĩ hơn về định hướng tương lai, định hướng nghề nghiệp của mình. Ngay khi ra trường, ai cũng muốn tìm được công việc tốt, mức lương ổn định, nhưng sẽ chẳng nhà tuyển dụng nào muốn tuyển một người với CV “nhân viên bán hàng parttime tại The Kafe, nhân viên vận chuyển hàng cho A đây rồi,…”. Những công việc cho bạn sự giao lưu, vui vẻ, không áp lực, và có tiền để trang trải qua ngày không phải là “kinh nghiệm” mà các nhà tuyển dụng mong muốn. Hôm nay, khi ngồi với mấy anh bạn đều làm ở các doanh nghiệp lớn, các anh đều đau đầu về việc không tuyển được người cho vị trí còn thiếu ở công ty, trong đó có một người kể chuyện: “Tôi phỏng vấn tuyển dụng, hỏi về kinh nghiệm làm việc, em ấy rất hồn nhiên kể khoảng thời gian đã làm phục vụ ở đây, làm lễ tân ở đây, làm Đoàn đội sự kiện này…, nhưng đến khi hỏi đến kiến thức chuyên môn PR- MKT lại không biết gì nhiều”.

Như vậy có thể thấy, có rất nhiều bạn trẻ đang lo mối lo trước mắt, mà chưa hề tính đến cái lợi sau này. Không ai có thể đảm bảo cho bạn rằng, với một tấm bằng đại học, bạn sẽ có công việc tử tế. Việc tương lai bạn là ai trong xãhội, công việc có mức lương cao đến đâu, tất cả phụ thuộc vào năng lực và sự cố gắng trên một nền tảng nhất định.

Nghĩa là, ngay từ khi còn nhiều thời gian rảnh, bên cạnh trường lớp bạn bè, bên cạnh những việc đoàn đội cho bạn kỉ niệm của tuổi trẻ, bạn nên suy nghĩ nghiêm túc rằngbạnsẽlà ai trong tương lai, và để trở thành người đó thì bạn cần gì ?


Bộ Đọc Để Trưởng Thành 2


Hãy nghiêm khắc với bản thân!

Có một số bạn sinh viên nghĩ rằng: Đỗ Đại học rồi! Nghỉ xả hơi thôi. Sau kì thi Đại học căng thẳng và mệt mỏi, nhiều bạn trẻ gần như kiệt sức và nghĩ rằng học Đại học rất đơn giản, chỉ cần đi học đủ, điểm danh đủ, làm bài thi vừa qua, là có thể bình yên có một tấm bằng Khá khi ra trường. Như vậy là bạn đang quá nuông chiều bản thân!

Có một số người, thường rất khắt khe với mọi thứ, nhưng lại chẳng mấy khắt khe với chính bản thân mình. Họ có thể dành hàng giờ để đi đọc và bình luận những vụ đạo nhạc, scandal rùm beng của cô ca sĩ diễn viên nào đó, hoặc trở thành anh hùng bàn phím sẵn sàng đả kích hoặc bình luận ở những topic hot… với mục đích trở thành top comment (bình luận được nhiều like nhất). Họ rất khắt khe với mọi thứ diễn ra xung quanh, nhưng có khi chẳng biết thực sự mình thích gì, liệu đã bao giờ sống hết mình vì cái gì chưa.

Thế nên, đừng khắt khe với người đời nữa, hãy khắt khe với thói quen và lối sống của chính mình trước đã. Thành công ở xã hội này có rất nhiều loại. Dù bạn có thích chơi game, chơi game thực sự giỏi, giỏi đến mức đi đấu giải quốc tế và trở thành game thủ cũng là một kiểu thành công, nếu bạn thích thể thao, tập ngày tập đêm tới mức có thể trở thành thầy giáo, cô giáo ở trường nào đó, cũng là một dạng thành công,…

Giá của 1 năm tuổi trẻ người Singapore bằng 1 tỷ USD trong mắt Lý Quang Diệu. Trong khi thực tế cho thấy, nhìn chung bạn trẻ Việt đang bán tuổi trẻ của mìnhvới giá chưa đến 1000 USD một năm, thấp hơn cả triệu lần…

Hãy đặt thử một câu hỏi đơn giản, khi bạn ở tuổi đôi mươi, bạn có thể làm bất cứ công việc lao động chân tay nào, người ta sẵn sàng thuê bạn để làm bảo vệ, tiếp viên, phục vụ,… vì bạn trẻ đẹp, năng động, có sức khoẻ, có tinh thần cởi mở, không ngại khó, không ngại khổ, sẵn sàng làm việc với mức lương chỉ từ 8.000 – 12.000 đồng/ giờ. Đến khi bạn 40, 50 tuổi, khi sức khoẻ yếu đi, vóc dáng và khả năng làm việc cũng chậm hẳn lại,… và bạn vẫn chẳng biết làm gì hơn là bán thời gian của mình cho công việc cần vóc dáng, lễ tân, đón khách,… liệu có còn ai thuê bạn không?

Vào một lúc nào đó… ta phải phân chia tuổi trẻ của mình một cách hợp lí, dù đang bị trăm thứ cơm áo gạo tiền ghì lấy. Nếu không tự xây dựng ước mơ của mình, người khác sẽ thuê bạn xây dựng ước mơ của họ.

Dù thế nào, cũng nên sống có ước mơ từ khi còn trẻ, và biết nuôi dưỡng ước mơ, đam mê ấy một cách hợp lý. Đừng sinh ra là đốm lửa, nhưng cứ tàn dần theo thời gian.

Cuộc đời này chỉ có một, phải sống sao cho không “sống hoài, sống phí”, phải hết sức với cuộc đời thì cuộc đời sẽ hết mình lại với ta. Nếu không muốn sống một cuộc đời nhàn nhạt, hãy tự biến mình thành mặn, thành ngọt, thành chua, thành cay, thành bất cứ điều gì bạn muốn ngay hôm nay! Nếu không muốn chết từ từ, hãy “nhảy” ngay ra khỏi nồi nước khoan khoái dễ chịu. Có ai muốn ăn quả ngọt mà lại không bắt đầu đi mua hạt giống, không chịu vất vả cày xới chăm cây, không cực nhọc bắt sâu tỉa lá?