Từ Bỏ Logic Lợi Ích Cá Nhân, Cho Đi Nhiều Hơn Nhận Lại
Mọi động lực của chúng ta đều xuất phát từ những nhu cầu cá nhân. Chúng ta cố gắng học hành để sau này có một cuộc sống tốt, cố gắng luyện tập thể thao để có một thân hình đẹp, cố gắng làm việc để được tăng lương,...
Tuy nhiên, chúng ta đang sống trong cùng một cộng đồng, vì vậy bên cạnh những nhu cầu cá nhân là những lợi ích chung của cả xã hội. Nhiều người quên đi điều này dẫn đến những logic sai lầm, chỉ nghĩ cho bản thân mình. Trong cuốn sách Dũng cảm tiến lên - 7 bước thay đổi bản thân, dựa trên lý thuyết tâm lý học Adler, tác giả Nakano Akira đã cho thấy những sai lầm trong logic lợi ích cá nhân và hướng tới một lối sống vì tập thể, cho đi nhiều hơn nhận lại.
Logic lợi ích cá nhân
Một phong cách sống không phù hợp là cách sống với thái độ và mục tiêu chỉ hướng đến lợi ích của bản thân mình. Adler đã gọi cách suy nghĩ với nền tảng là thái độ như thế là logic lợi ích cá nhân. Đầu tiên, con người chẳng ai có thể sống một mình được. Con người phải sống cùng bạn bè và đồng đội trong một cộng đồng tập thể nào đó. Vậy nếu con người cứ cố lơ đi bản chất mà ai cũng có này và tìm kiếm lợi ích cá nhân cho riêng mình thì liệu có thể kiếm tìm lợi ích một cách suôn sẻ được không? Có lẽ là hơi khó. Vì thế, cần phải tự ý thức xem mình có đang suy nghĩ theo logic lợi ích cá nhân hay không và nỗ lực cải thiện điều đó.
Common sense
Có một khái niệm đối với logic lợi ích cá nhân gọi là “common sense”. Đó là quan niệm phổ biến cho rằng cộng đồng tập thể là tốt đẹp và đúng đắn. Con người phải sống như là một cá nhân thuộc về một tập thể nào đó. Nếu chỉ tìm kiếm lợi ích cá nhân cho riêng mình thì sớm muộn gì cũng nhanh chóng bị đào thải khỏi tập thể đó. Vì vậy, để có thể sống hạnh phúc thì con người phải luôn tâm niệm trong đầu về “common sense”, chứ không phải đi tìm kiếm lợi ích cá nhân cho bản thân và việc cống hiến cho cộng đồng là điều đương nhiên, không thể thiếu.
Cảm giác tập thể
Khi một người nhận ra bản thân đang hành động theo logic lợi ích cá nhân nhưng người đó lại muốn góp phần cống hiến cho giá trị phổ quát của cộng đồng thì sẽ cần phải thay đổi phong cách sống. Bằng cách này, con người có thể phụng sự cho cộng đồng và có thể cảm nhận được bản thân đã thống nhất thành một thể với cộng đồng đó. Khi ấy chắc chắn con người đó sẽ có cảm giác hài lòng, đầy đủ nhất. Adler gọi thứ cảm giác này là cảm giác cộng đồng. Cách sống để có thể có được cảm giác cộng đồng sẽ mang lại một cuộc đời hạnh phúc cho con người.
Cho đi nhiều hơn nhận lại
Nếu muốn có được cảm giác tập thể từ mối quan hệ giữa người với người thì đầu tiên phải nghĩ mối quan hệ với đối phương là bình đẳng. Chẳng hạn, cho dù có là cấp trên với cấp dưới thì cũng coi như những con người, không giấu diếm điều gì với nhau, đó là sự bình đẳng. Thêm vào đó, phải tôn trọng đối phương, đóng góp, giúp đỡ đối phương.
Điều quan trọng là phải từ một con người nhận được nhiều hơn trở thành người cho đi nhiều hơn. Trong cuốn sách Dũng cảm tiến lên, tác giả có đề cập rằng, lúc này, điều cần chú ý nhất là khi con người cho đi không có nghĩa là chỉ cho đi những thứ vật chất. Hãy thử bắt chuyện với những người xung quanh bằng một tâm trạng vui vẻ. Hãy mỉm cười và bắt chuyện với họ. Khi ấy chính nụ cười và những câu chuyện sẽ là một món quà tuyệt vời với những người xung quanh chúng ta.
Sau cùng, thông điệp mà tác giả Nakano Akira muốn gửi gắm thông qua cuốn sách Dũng cảm tiến lên đó là chúng ta đang sống cùng chung một cộng đồng, mỗi con người là một tế bào của xã hội, không ai có thể sống mà chỉ đơn độc một mình, vì vậy bên cạnh những nhu cầu của bản thân, hãy luôn nghĩ cho lợi ích chung của cộng đồng. Hãy cho đi thật nhiều, những gì bạn nhận lại là yêu thương từ người khác dành cho, sự thanh thản trong tận tâm hồn bạn, và niềm hạnh phúc khi cảm thấy mình làm được điều có ích, dù cho bạn cảm thấy mình chẳng nhận lại đi nữa, thì bạn vẫn đang được nhận rất nhiều, theo một cách nào đó…