Giỏ hàng

Tuổi Trẻ Có Nên Sống Vì Đam Mê?

Tuổi trẻ hội tụ mọi thứ : sức khỏe, thời gian, đam mê, nhiệt huyết để làm những điều mình đam mê. Tuy nhiên, tuổi trẻ thường có những suy nghĩ chưa chín chắn, mọi thứ đều rất bản năng và nhiều người bỏ qua một thời tuổi trẻ mà ai cũng chỉ có một lần trong đời.

Tuổi Trẻ Sẽ Có Gì?

Tuổi trẻ với một đôi chân sẵn sàng đứng dậy để đi tới bất cứ đâu, là trái tim nhiệt huyết, gan lỳ, dám đương đầu với mọi vật cản dù đôi lúc cũng ngông cuồng và bướng bỉnh. Là đúng thì đi tiếp, sai thì làm lại. Là dám đánh đổi và can đảm bước chân ra khỏi vùng an toàn.

Tuổi trẻ, những ngày tháng đó còn thật đẹp vì ai cũng ôm trong mình biết bao ước mơ và đam mê. Dù cho ai đó cười chê, hay con đường chạm tới giấc mơ có xa cách mấy, những người còn trẻ như chúng tôi vẫn có đủ sức lực và khát khao để chinh phục chặng đường đó.

Vì có bao giờ ngọn lửa đam mê lại cháy sáng rực rỡ đến thế như tuổi trẻ mà chúng tôi đang có đâu?

Cứ còn mơ, còn đam mê, thì tuổi trẻ hẵng còn đẹp và đáng để dấn thân, hết mình vì mọi thứ. Chẳng có quãng thời gian nào rực rỡ như thế, và cũng chẳng có khi nào thích hợp hơn để đứng lên, chạy theo đam mê của mình như những ngày thanh xuân ôm giấc mơ với nhiệt huyết căng tràn.


Bộ Đọc Để Trưởng Thành 2


Nhưng bạn có dám dùng hết tuổi trẻ để theo đuổi đam mê chưa?

Bạn có luôn tin vào câu nói “Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn”? Nhưng bạn lại thắc mắc tại sao bấy lâu này mình luôn sống theo cái gọi là đam mê nhưng thành công thì không thấy đâu mà thất bại thì hết lần này đến lần khác! Phải chăng sống theo đam mê là sai và sẽ chẳng bao giờ thành công như câu nói truyền miệng kia?

Liệu có nên sống với đam mê và tìm kiếm thảnh công từ nó không?

Nếu bạn thực sự muốn thành công thì bạn không nên theo đuổi đam mê trừ phi đây là điểm mạnh của bạn! Nói cách khác, thay vì dành hết thời gian vào việc sống với đam mê thì bạn nên đầu tư vào những thứ mà bạn thực sự giỏi nếu bạn muốn đạt được những thành tựu “để đời”. Tất nhiên, nếu đam mê cũng chính là thế mạnh của bạn thì thật tuyệt vời, vừa được làm điều mình thích vừa có động lực để theo đuổi những mục tiêu dẫn đến thành công, bạn nên trân quý những giá trị này và tôi nghĩ cuộc sống lúc này chẳng còn gì phải đắn đo, hối tiếc bởi mọi thứ dường như chỉ chờ bạn khai phá và chinh phục.

Mong muốn sống theo đam mê là điều dễ hiểu nhưng kỳ thực, nếu bạn bị rơi vào vũng lầy của “cảm giác mãn nguyện” khi sống trong vòng xoáy của lạc thú thì rất khó để vực dậy để thoát ra và quay về với thực tại! Chính điều này vô tình khiến não của bạn tiết ra những chất hormone serotonin – hay còn gọi là hoóc môn hạnh phúc và lâu dần chúng “đánh lừa” cảm giác của bạn, khiến bạn có cảm tưởng như mình đang ở trên đỉnh thành công, rằng cuộc sống đối với mình bây giờ không còn điều gì phải luyến tiếc! Nó nguy hiểm không thua gì việc bạn chọn sai đường hay xác định không đúng năng lực của bản thân.

Không dễ để làm những điều mình đam mê giữa những định kiến, những giáo điều của xã hội.

Thậm chí với khả năng của bạn, với sức mạnh riêng biệt của bạn, bạn cũng khó để trở nên thành công trong mắt của những người khác, đặc biệt là những người giỏi hơn bạn! Tất nhiên, không vì thế mà bạn nên từ bỏ hay lẩn tránh nó, bạn phải mong muốn thành công như là điều kiện bắt buộc để tồn tại trên cõi đời này, như khi bạn cần không khí lúc đang ngụp lặn dưới sông sâu biển lớn. Và một điều quan trọng nữa là, bạn không cần phải là ông này bà nọ mới có thể thành công, những gì bạn có thể làm và nên làm thật tốt đó là hãy luôn là chính mình, thành công thực ra không có một quy chuẩn nào để đo lường nó, bạn hãy nỗ lực, hãy phấn đấu từng giờ, từng ngày với những thế mạnh, những khả năng mà chỉ mình bạn mới thấy được sự đặc biệt để không ngừng tiến lên trên con đường hiện thực hóa mục tiêu đời mình. Khi ấy, dù chưa thành công thì cũng thành nhân.


Bộ Đọc Để Trưởng Thành 2


Ranh giới giữa sở thích và sở trường là vô cùng mong manh, đòi hỏi bạn phải thực sự nghiêm túc với chính bản thân mình trong việc đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Mình thích gì và mình có thể làm gì?”

Tại sao nhiều người lại sẵn sàng dành cả thanh xuân của mình chỉ để vui thú với những đam mê có phần hơi “xa xỉ” của mình để rồi đến cuối đời lại ra sức “cày cuốc” lo kiếm "miếng cơm manh áo" sống qua ngày? Chẳng phải khi còn trẻ, bạn gần như có “tất cả” sao, nào sức khỏe, thời gian, tình thương, điều kiện, nghị lực, ý chí,… Tại sao bạn không tận dụng cơ hội này để khám phá bản thân và phát huy sở trường của mình lên một tầm cao mới, gặt hái những thành tựu nhất định để rồi khi về già, lúc này tuổi cao sức yếu, thời gian “có hạn”, bạn tận hưởng đam mê của mình bên cạnh người thân, thành tựu bạn tạo nên khi còn trẻ chẳng phải vui sướng hơn sao? Đồng ý rằng cuộc sống phải có đam mê, thú vui nào đó và việc theo đuổi những “nhu yếu phẩm” này chẳng có gì sai cả nhưng điều tôi muốn nói ở đây là thời điểm, tức là bạn phải biết được bây giờ mình đang ở giai đoạn nào của cuộc đời và rằng bắt đầu với sở trường hay tiếp tục với đam mê là tùy thuộc vào nhận thức và mục đích sống của bạn, nhưng việc này đòi hỏi bạn phải thật sự hiểu thấu chính bản thân mình để đưa ra sự lựa chọn thật khôn ngoan, tinh tế!

Một cuộc sống không xoàng xĩnh, là một cuộc sống có ý nghĩa. Là cuộc sống mà ta tạo ra được giá trị thực sự, giúp đỡ được nhiều người, cho đi nhiều hơn là nhận. Là cuộc sống mà sau khi chết đi, sẽ có người thương tiếc sự ra đi của ta không phải vì mối quan hệ máu mủ, mà bởi vì ta đã góp phần tạo nên những thay đổi tích cực trong cuộc sống của họ.

Bạn phải tạo ra giá trị thay vì theo đuổi những đam mê hão huyền, và tất nhiên bạn phải lựa chọn giữa việc phải làm và việc muốn làm. Vì đôi khi việc muốn làm tại một thời điểm nào đó lại là việc bạn muốn gắn bó, dâng hiến cả tuổi trẻ cho nó.

Một ngày nào đó chúng ta sẽ trở thành con người mình muốn trở thành. Nhưng nếu bạn chần chừ cả năm mười năm không làm việc gì đó, chẳng có lí do gì để làm việc đó ngày hôm nay, hay ngày mai, hay một ngày nào đó. Đến khi cái chết tìm đến với ta, tất cả đã quá muộn.