ĐẠI HỌC KHÔNG LẠC HƯỚNG, CHẶNG ĐƯỜNG KHÔNG CÓ SỰ CHỞ CHE
Mười hai năm đèn sách chấm dứt, bắt đầu một chặng đường mới không còn được bao bọc trong vòng tay cha mẹ chắc hẳn bạn đang cảm thấy rất hạnh phúc, nhưng cũng rất hoang mang, lạc hướng. Con đường này, giờ đây, chỉ mình có mình bạn chọn lựa, quyết định mà không biết được sẽ đúng hay sai. Bạn rơi vào một vòng luẩn quẩn của những dấu chấm hỏi: mình nên làm gì? nên phát triển như thế nào? trưởng thành ra làm sao?
Nếu như bạn đang cảm nhận được những điều nói trên thì dù bạn mới bắt đầu cuộc sống đại học hay đã trải nghiệm nó được vài năm nhưng vẫn mông lung không tìm thấy con đường đúng đắn thì “Đại học không lạc hướng” chính là giải pháp dành cho bạn.
Hành trang để không lạc lối trên bước đường đại học
“Đại học không lạc hướng” chia sẻ những câu chuyện, bài học được đúc kết từ chính tác giả và những người xung quanh về chặng đường đại học mới mẻ đầy thắc mắc, nghi hoặc. Đúng như tựa đề của nó, nội dung cuốn sách xoay quanh cuộc sống của những sinh viên đại học, bắt đầu hành trình phát triển ước mơ, đam mê của mình. Tuy, chẳng có con đường nào bằng phẳng, suôn sẻ sẽ có những vấp ngã, lạc lối trên con đường ấy, nếu lầm bước có lẽ bạn sẽ chỉ phí hoài tuổi trẻ. Còn chọn được đường đi đúng đắn thì sẽ đạt được những gì mình muốn. Và “Đại học không lạc hướng” chính là tấm bản đồ chỉ cho bạn đường đi đúng hướng. Có lẽ đây không phải cuốn sách self-help đầu tiên và duy nhất nói về chủ đề học đại học nhưng có thể nói đây như một hành trang để bạn “tự giúp bản thân” định hướng tương lai.
Những kỹ năng giảng đường đại học không dạy bạn!
Nếu như những năm tháng phổ thông bạn quen với việc được cầm tay chỉ bảo, từng đường đi nước bước thì sau khi vào đại học, giáo viên chỉ cho bạn một hướng, quá trình còn lại bạn phải tự hoàn thành. Khi bước chân vào xã hội, các bạn trẻ mới hiểu không có ai vẽ cho bạn cả con đường, thế giới rộng lớn này, bạn phải học cách tự lực cánh sinh, tất cả chỉ có thể dựa vào chính mình mà trưởng thành. Rất nhiều kiến thức ta được học trên giảng đường nhưng những kỹ năng cần thiết để bước ra xã hội thì đại học không dạy chúng ta điều đó, bạn phải tự mình tiếp thu, tự mình cải thiện. Chính bởi, nếu nắm rõ kỹ năng đó bạn sẽ quyết định được tương lai của chính mình.
Bằng kinh nghiệm của người đi trước, tác giả nhắn nhủ tới bạn: phải trau dồi khả năng diễn thuyết, viết lách bởi nó sẽ giúp bạn đưa ý tưởng, kiến thức của mình đến với mọi người, phải cố gắng, nỗ lực học tiếng anh vì nó đem bạn vươn ra thế giới, và điều cuối cùng nhưng vô cùng quan trọng không gì quý hơn chính bản thân mình, phải coi trọng sức khỏe, siêng năng vận động để tinh thần và thể chất luôn sẵn sàng đương đầu với khó khăn. Không dùng lối văn phong lý thuyết, giáo điều, khuôn phép để ép bạn phải hiểu, phải thực hiện, Lý Thượng Long dùng phong cách giản dị, mộc mạc của những câu chuyện thực tế, phương pháp sâu sắc, khoa học, khiến bạn bị thuyết phục. Nó giống như một lời khuyên của người anh từng trải với đàn em của mình: Hãy cố gắng thật nhiều vì tương lai của chính mình không phải bất kì ai!
Bốn năm đại học là quãng thời gian quý giá nhất, nó không chỉ có nghĩa là bốn lần 365 ngày, mà đó là bốn bước đệm quan trọng nhất để bạn tiến tới cánh cổng lớn nhất trong cuộc đời bạn - bước chân vào xã hội. Tận dụng thời gian quý này, bước chân bạn sau này sẽ băng qua những con đường lớn. Nỗ lực trưởng thành từng ngày là nỗ lực giúp bạn thành công.
Sau cùng, sách không thể thay đổi vận mệnh, biến kiến thức trong sách thành hành động mới có thể thay đổi vận mệnh. Hi vọng rằng “Đại học không lạc hướng sẽ là người bạn đồng hành động viên, định hướng bạn trong những năm tháng đại học, để tuổi trẻ này, bạn không lạc lối.