Giỏ hàng

TRÒ BỊP BỢM CỦA LO ÂU

Mọi người đều lo lắng. Đó là một phần của điều kiện tạo nên con người. Chỉ có người chết mới không lo lắng. Mọi người đều trải qua những suy nghĩ, thường là thiếu thực tế và bị phóng đại, nhắc nhở họ về những điều tồi tệ có thể xảy ra trong tương lai.

Trong lịch sử tâm lí trị liệu, đã có rất nhiều phương pháp tiếp cận nỗi lo âu, và tất cả đều có nguồn gốc từ những lí thuyết tâm lí học thời đó. Trong hàng thập kỉ, liệu pháp điều trị cho những người hay lo lắng là một cuộc tìm kiếm những nguyên nhân sâu xa “tại sao” người đó lại lo lắng về một điều cụ thể nào đó, với kì vọng rằng khi tìm ra nguyên nhân, nỗi lo âu sẽ tan biến. Nhưng trong khi rất nhiều người biết được thêm nhiều điều về bản thân, sự lo lắng thường không giảm đi. Vậy lý do là gì? Bạn đã tìm được phương pháp trị liệu nào cho bản thân hay chưa? Nếu câu trả lời là chưa thì cuốn sách Trò bịp bợm của lo âu chính là cuốn sách thích hợp dành cho bạn - những ai vẫn đang lạc lối trong quá trình đi tìm cách đối diện với sự lo âu.  

 

 

Sự lo âu: Một vị khách không mời 

Con người không trân trọng sự lo âu bởi nó hiếm khi, hay có thể nói là không bao giờ, mang đến những thông tin mới mẻ và hữu ích. Thay vì thế, nó cứ sự lặp đi lặp lại những vấn đề tiềm năng mà ta đều đã biết rõ, hoặc là những lời cảnh báo về những sự kiện khó có thể xảy ra và bị phóng đại. Nó giống như những lời cằn nhằn chứ không phải tin tức. 

Nếu sự lo âu có những tin tức quan trọng, hữu ích, hẳn bạn sẽ có xu hướng đón chào nó hơn, nhưng nó thường không chính xác. Nếu những mối lo của bạn là hữu ích, dù chỉ trong một vài trường hợp, hẳn bạn sẽ chẳng đọc cuốn sách này đâu! Những dự đoán của sự lo âu không dựa trên những khả năng. Nó dựa trên những hậu quả tồi tệ nếu điều gì đó thực sự xảy ra. Nó không dựa vào xác suất, mà dựa vào nỗi sợ hãi. 

Nếu sự lo âu là hàng xóm của bạn, bạn sẽ chuyển nhà. Nếu nó là nhân viên của bạn, bạn sẽ sa thải nó. Nếu nó là một đài phát thanh, bạn sẽ chuyển kênh, hoặc không nghe nữa. Và vấn đề nằm ở đây. 

Não bạn chẳng có công tắc nào để tắt hay bật, cũng chẳng có cách đơn giản nào để chặn đứng những suy nghĩ phiền phức. Đây chính là điều làm cho sự lo âu trở nên gian xảo đến thế. Bản năng tự nhiên của bạn kêu gọi bạn ngăn cản nó. Dĩ nhiên là vậy rồi! Nếu một con muỗi vo ve quanh bạn, bạn sẽ đập nó ngay. Nhưng bạn không có một cách tốt đẹp để đơn giản là ngừng lo âu, bởi tâm trí chúng ta không được “thiết kế” để làm điều đó. Không chỉ là ta không có cách nào để ngăn chặn sự lo lắng. Mọi chuyện còn rắc rối hơn thế nhiều. 

Nỗ lực ngăn cản sự lo âu của ta gần như luôn luôn khiến tình thế xấu đi, chứ không tốt lên. 

 

 

Bạn CÓ THỂ thay đổi thói quen lo âu của mình 

 

Điều đó không có nghĩa là bạn mắc kẹt, vô vọng tìm ra một giải pháp. Thực ra sự lo âu là một vấn đề có thể xử lí, có thể giải quyết được. Nguyên nhân mà mọi người gặp quá nhiều rắc rối với lo âu là nó đánh lừa bạn, theo đúng nghĩa đen. Nó khiêu khích bạn, lừa gạt bạn để bạn phản hồi theo những cách mà bạn hi vọng sẽ có hiệu quả, nhưng thực tế lại khiến vấn đề trầm trọng hơn, dai dẳng hơn. 

 

 

Nếu bạn đã phải vật lộn với lo âu trong một khoảng thời gian dài và thấy bản thân không thể giải quyết được vấn đề, thì đây là lí do. Bạn không gặp rắc rối với việc giải quyết vấn đề này vì bạn quá yếu ớt, quá lo lắng, quá ngu ngốc hay quá kém cỏi. Bạn gặp rắc rối với việc giải quyết vấn đề này vì bạn bị lừa và cố gắng giải quyết nó bằng những phương pháp chỉ khiến vấn đề trầm trọng và xảy ra thường xuyên hơn. Tôi sẽ giúp bạn vén bức màn che giấu trò bịp bợm này, tìm kiếm những bằng chứng chứng minh sự tồn tại của nó trong cuộc sống của bạn, và học cách xử lí lo âu hiệu quả hơn. 

 

Nhìn thấu trò bịp bợm của lo âu trong cuộc sống 

Hàng triệu người trên thế giới có những hình thức lo lắng khác nhau, tập trung vào những nỗi sợ khác nhau. Điểm chung của họ là cách mà họ liên hệ với những nỗi lo lắng ấy. Những người này vật lộn nhằm chấm dứt những lo âu của mình và thấy chúng ngày càng tăng lên, chứ không biến mất. 

 

 

Họ nhận ra “Tôi càng cố gắng bao nhiêu, mọi chuyện càng trở nên tồi tệ bấy nhiêu!”, kết quả là họ ngày càng khó chịu và bất lực hơn. Họ có xu hướng nghĩ rằng điều này có nghĩa là họ vô cùng kém cỏi, không thể thi hành được chiến lược đơn giản nhất của việc thư giãn đầu óc. Những người đó nghĩ rằng họ gặp phải một vấn đề nào đó. 

Nếu điều đó là đúng – “Tôi càng cố gắng bao nhiêu, mọi chuyện càng trở nên tồi tệ bấy nhiêu” – thì nghĩa là phương pháp mà bạn đang áp dụng có vấn đề. Chứ không phải là bạn. Vậy là nếu bạn đang đổ lỗi cho bản thân về những rắc rối liên quan đến lo âu của mình, thì bạn đã nhầm. 

Chính nỗ lực của con người nhằm ngăn chặn những lo âu của họ lại duy trì và tiếp sức mạnh cho chúng. Nhìn thấu trò bịp bợm của lo âu trong cuộc sống của chúng ta – và của bạn – sẽ là một sự trợ giúp đáng giá trong việc giải quyết vấn đề này. 

 

Mọi người đều lo lắng. Đó là một phần của điều kiện tạo nên con người. Chỉ có người chết mới không lo lắng. Mọi người đều trải qua những suy nghĩ, thường là thiếu thực tế và bị phóng đại, nhắc nhở họ về những điều tồi tệ có thể xảy ra trong tương lai. Thực chất, lo âu không hề đáng sợ đến thế, chỉ là chúng ta chưa nắm được bản chất của vấn đề. Đó là những điều mà Tiến sĩ Carbonell muốn truyền tải thông qua cuốn sách Trò bịp bợm của lo âu, với hy vọng đọc giả sẽ tìm được một phương pháp hiểu quả để vượt qua những nỗi lo âu của bản thân.