Giỏ hàng

BẠN ĐÃ BIẾT VỀ HIỆU ỨNG MỎ NEO TRONG KINH DOANH CHƯA?

Hiệu ứng mỏ neo thường xuyên được sử dụng trong kinh doanh để quảng cáo giá sản phẩm. Dưới đây là những phân tích bổ ích và thú vị của tác giả Hidenobu Senga về hiệu ứng này trong cuốn sách Giá trong chiến lược kinh doanh - Đắt mà bán chạy, rẻ mà có lãi

HIỆU ỨNG MỎ NEO DỰA TRÊN TÂM LÝ QUEN THUỘC CỦA CON NGƯỜI 

Bạn đã từng gặp trường hợp nghe theo lời giới thiệu “Món ăn ở nhà hàng này ngon lắm đấy!” và ghé vào ăn thử, rồi kết luận: “Mình thấy cũng không ngon lắm” chưa?   

Cụm từ “ngon” trở thành ý kiến tham khảo (hay đúng hơn là thành kiến) để làm tăng kì vọng, nhưng thực tế khi ta ăn thử, ta lại bình luận: “Thất vọng quá, chẳng ngon tẹo nào” vì trải nghiệm không như kì vọng của mình.   

Bản thân Hidenobu Senga, tác giả cuốn sách nổi tiếng Giá trong chiến lược kinh doanh - Đắt mà bán chạy, rẻ mà có lãi, cũng đã ở trong tình huống như vậy.  

Tại một cửa hàng mì ramen ở Nhật, khi nhìn vào biển quảng cáo POP (Point Of Purchase advertising) [1] với hàng chữ viết tay “Đậu hũ hạnh nhân thơm ngon số 1 thế giới”, Hidenobu đã vào gọi món, nhưng vì thấy vị của nó cũng bình thường nên đã rất thất vọng. Nếu không có cụm từ “số 1 thế giới”, có lẽ Hidenobu đã đánh giá ramen ở đây ngon rồi.   

Tác giả Hidenobu Senga đưa ra phân tích: Trong ví dụ này, thông tin thu được ban đầu đã gây ảnh hưởng đến thông tin thu được sau đó, gọi là hiệu ứng mỏ neo. Khi muốn neo đậu tàu, người ta ném mỏ neo xuống, khi mỏ neo chìm xuống đáy biển, nó giúp cố định vị trí của con tàu trên mặt nước. Chính trong tâm lí của con người cũng có những “mỏ neo” như vậy.   

HIỆU ỨNG MỎ NEO TRONG CHÍNH SÁCH VỀ GIÁ CỦA CÁC CÔNG TY 

Trên thực tế, hiệu ứng này được vận dụng thường xuyên và có hiệu quả trong cách quảng cáo giá sản phẩm.  

Khi đang ngắm những sản phẩm thương hiệu có giá 100.000 yên, 200.000 yên chạy trên cửa sổ hiển thị của các cửa hàng lớn ở Ginza (Nhật Bản), Hidenobu Senga đã bị thu hút bởi một người cầm tấm biển có ghi 5.250 yên đứng trước một cửa hàng.   

Đây là quảng cáo của một cửa hàng bán cặp xách. Tại thời điểm đó, ông cảm thấy rằng giá của nó rất rẻ. Có cảm giác như vậy là bởi ông đang có sự so sánh với sản phẩm của những thương hiệu lớn. Đây cũng là hiệu ứng mỏ neo. Nếu bạn có ý định mua cặp xách, thì chắc hẳn bạn sẽ bước vào cửa hàng đó ngay mà không hề suy nghĩ gì.  

Không chỉ vậy trên trang chủ của cửa hàng này, họ cho hiển thị dấu gạch đỏ để xóa bỏ mức giá bán lẻ 26.250 yên và hiển thị mức giá mới 5.250 yên, cùng với khẩu hiệu “Đem đến tinh thần phấn chấn nhất cho mỗi ngày của bạn”.  

“Có thể nói, phương pháp hiển thị giá bán trước khi thay đổi cũng là hiệu ứng mỏ neo” - Hidenobu Senga viết. 

ĐẰNG SAU SỰ KHÁC BIỆT VỀ GIÁ CẢ LÀ CHIẾN LƯỢC CỦA NGƯỜI KINH DOANH 

Bên cạnh hiệu ứng mỏ neo, tác giả Hidenobu Senga còn trình bày và phân tích rất nhiều vấn đề quen thuộc về giá cả trong cuốn sách Giá trong chiến lược kinh doanh - Đắt mà bán chạy, rẻ mà có lãi. Không thể phủ nhận giá cả là một yếu tố vô cùng quan trọng tại lĩnh vực kinh doanh.  

Với cuốn sách, bạn sẽ phải bất ngờ khi nhận ra rằng đằng sau sự khác biệt về giá cả là chiến lược của người kinh doanh. Nếu tinh ý, bạn cũng có thể nhận ra chiến lược của người kinh doanh khi nhìn vào giá cả của sản phẩm. 

Thêm vào đó, tác giả Hidenobu còn cung cấp cho độc giả cái nhìn toàn diện về mối quan hệ giữa chiến lược kinh doanh, chiến lược marketing, hình thức kinh doanh và chính sách về giá cả. 

Quả thực đây là cuốn sách NHẤT ĐỊNH PHẢI ĐỌC với những ai đam mê kinh doanh. Tin chắc rằng, sau khi đọc xong, bạn hoàn toàn có thể nâng cao hơn, dù chỉ một chút, khả năng cảm nhận về kinh doanh của mình (khả năng phán đoán kinh doanh có lãi). 

---------- 

[1] Có thể hiểu một cách đơn giản POP là cách quảng cáo trực tiếp tại điểm bán sản phẩm dưới dạng băng rôn, tranh ảnh, quầy trưng bày, v.v...