Dũng Cảm Tiến Lên - Cảm Giác Thấp Kém Hơn Người Khác Là Động Cơ Thức Đẩy Bản Thân Tiến Xa Hơn
Cuộc sống là một đường bơi dài, ai không bơi thì sẽ chìm. Mỗi con người chúng ta luôn không ngừng so sánh và nhìn lại bản thân mỗi ngày, để nhận thấy mình còn yếu kém nhiều điều, còn cần nỗ lực nhiều thêm, để không bị chìm lại phía sau. Đây cũng chính là vấn đề được tác giả Nakano Akira đề cập đến trong cuốn sách Dũng cảm tiến lên – 7 bước thay đổi bản thân, với thuật ngữ “cảm giác thấp kém”. Ông cho rằng, chính cảm giác thấp kém hơn người khác sẽ là động lực để thúc đấy bản thân tiến xa hơn.
Con người không phải là loài động vật mạnh nhất
Hãy thử so sánh con người chúng ta với các loài động vật khác. Con người không phải là loài động vật mạnh nhất, không có đôi chân nhanh nhất, không thể tự bay lên bầu trời, cũng không thể tự bơi lội dưới nước nhanh như cá. Con người chính là những động vật có chức năng của các cơ quan cơ thể thấp kém nhất. Nhưng con người như thế mà vẫn cố gắng tồn tại, vậy thì những người ở thời cổ xưa sẽ phải thế nào?
Trong cuốn sách Dũng cảm tiến lên có giải thích: khi tạo ra một tập thể nào đó, ta có thể khoả lấp tính thấp kém về chức năng các cơ quan cơ thể mà con người ai cũng có đó. Hai người kết hợp thì tốt hơn một người, ba người sẽ tốt hơn hai người. Một tập thể hay nói cách khác là một cộng đồng sẽ tốt hơn một nhóm người. Tóm lại, tính thấp kém về chức năng cơ quan trên cơ thể con người sinh ra cảm giác thấp kém hơn, buộc con người phải tạo ra một cộng đồng để có thể giúp đỡ lẫn nhau, có thể nói như vậy. Và sau đó, con người mở rộng cộng đồng đó và trở thành xã hội như ngày nay. Tóm lại, nếu nói một cách chính xác về bản chất, chính xã hội này đã sinh ra cảm giác thấp kém của con người.
Lời nói cũng chính là do cảm giác thấp kém của con người tạo ra
Con người không thể sống một mình, vì vậy đã tập trung những người bạn, người đồng đội với nhau và tạo ra cộng đồng. Nhưng trong cộng đồng thì cần có sự hiểu lẫn nhau, hay nói cách khác là cần giao tiếp. Ngoài ra, để duy trì được cộng đồng đó thì cũng cần đến sự giao tiếp với nhau. Công cụ cho sự giao tiếp này là lời nói. Vì cảm giác thấp kém nên con người mới tạo ra cộng đồng, vì vậy lời nói bắt nguồn từ cảm giác thấp kém của chúng ta.
Rồi sau khi đã có tiếng nói, chẳng mấy chốc con người đã đạt đến độ hiểu biết rộng. Khi đó, con người sẽ biết được những sự việc một cách nghiễm nhiên, chẳng hạn như việc khi nào mình chết. Đối với vũ trụ vô tận ngoài kia, chúng ta đều nhận thức được rất rõ rằng con người chỉ là phù du, sương khói thôi. Chính nhận thức này cũng tạo ra cảm giác thấp kém của con người. Để bù đắp điều này, con người đã tạo ra các tôn giáo và trường phái triết học. Hoặc những người cảm nhận bản thân xấu hơn so với vẻ đẹp tự nhiên thì lại tạo ra nghệ thuật và âm nhạc.
Cảm giác thấp kém là động cơ thúc đẩy bản thân tiến xa hơn
Cảm giác thấp kém, bản thân nó cũng có sức mạnh đến mức mà chính nó đã tạo ra xã hội và nền văn hoá của nhân loại. Và chúng ta cần phải tận dụng sức mạnh phi thường đó vào việc tự trưởng thành của bản thân.
Nhưng cảm giác thấp kém không phải cảm giác tự ti. Đây là cảm giác khi chúng ta nhìn nhận bản thân một cách thực tế, xem vị trí của mình có thật sự xứng đáng với bản thân mình không, hay là do mình còn chưa cố gắng hết sức. Khác với tự ti, cảm giác thấp kém là động lực để phát triển bản thân, để thay đổi và tự trưởng thành.
Dựa trên tâm lý học Adler, Nakano Akira đã chứng minh rằng cảm giác thấp kém là cảm giác tự nhiên của con người, nó có sức mạnh phi thường và quan trọng là chúng ta phải biết cách biến nó trở thành động lực để thay đổi, phát triển bản thân. Đây cũng chính là thông điệp mà cuốn sách Dũng cảm tiến lên muốn truyền tải: luôn luôn nhìn nhận bản thân, không tự phụ, để thấy rằng mình còn nhiều thiếu sót, từ đó thay đổi và trưởng thành hơn.