Giao Tiếp Là Kỹ Năng Cần Học Và Thực Hiện Để Thành Công
Nói chuyện là phương thức trực tiếp nhất để có được sự yêu mến của người khác. Nói chuyện không chỉ đơn thuần là giao lưu mặt đối mặt mà còn là một môn nghệ thuật giao tiếp, mọi người đều cần phải rèn luyện.
Sách Nói thế nào để được chào đón, Làm thế nào để được ghi nhận
Quyển này cùng chủ đề về giao tiếp với quyển “Tuổi 20 Sức Hút Từ Kỹ Năng Giao Tiếp” nhưng đối tượng hướng đến rộng hơn chính là tất cả mọi người thuộc nhiều lứa tuổi và ngành nghề khác nhau. “Nói Thế Nào Để Được Chào Đón, Làm Thế Nào Để Được Ghi Nhận” cũng là những chia sẻ giúp người đọc cải thiện khả năng giao tiếp và thành công trong bất cứ cuộc hội thoại nào.
Đây không phải là những chia sẻ khô khan mang tính lý thuyết. Ngược lại, các chương được tổ chức theo các vấn đề mà người đọc quan tâm với các ví dụ cụ thể, các lý thuyết được dùng để giải thích (nếu có), theo sau luôn là phần “cẩm nang nói chuyện làm việc” đóng vai trò như phần “vậy chúng ta cần làm gì?”
Trước khi bắt đầu bất cứ cuộc trò chuyện nào- dù chỉ là tán gẫu với bạn bè, đối thoại với đồng nghiệp hay báo cáo với cấp trên, bạn có biết mình cần phải “chuẩn bị” điều gì đầu tiên không? Đó là chính là phải biết được “đối phương đang nghĩ gì”, nói cách khác là “hiểu tâm lý đối phương khi nói chuyện”. Đa phần sẽ nghĩ điều này không quan trọng hoặc thậm chí không cần thiết, nhưng thực tế là khi chúng ta nói chuyện, nếu biết căn cứ vào thân phận địa vị của đối phương thì không những sẽ phù hợp với lễ nghi xã giao cơ bản mà còn phù hợp với nhu cầu tâm lý của con người.
Và hãy nhớ, “trọng điểm của buổi giao lưu nằm ở năm phút đầu tiên khi họ tiếp xúc với nhau”. Có thể bạn không tin nhưng trong tâm lý học có cái gọi là “hiệu ứng đầu tiên” (Primary effect). Và tất nhiên “nói tốt” câu đầu tiên sẽ để lại thiện cảm với người đối diện. Ấn tượng đầu tiên còn có thể quyết định đối phương sẽ tiếp tục hợp tác với bạn hay không.
Nói tốt nhưng cũng đừng quên kỹ năng “lắng nghe tốt” cũng quan trọng không kém. Để biết mình nên nói gì tiếp theo để giữ đối phương hứng thú với cuộc trò chuyện, bạn nên biết “chuyên tâm nghe người khác nói” bởi lẽ trong cuộc sống, mỗi người đều có tâm lý “khao khát thể hiện bản thân”, cho rằng “tôi là người quan trọng”, theo Dale Carnegie.
Sách Nói thế nào để được chào đón làm thế nào để được ghi nhận
Một điều mà có lẽ nhiều bạn trẻ sẽ mắc phải hơn trong khi giao tiếp chính là nói đùa quá chớn. Khiếu hài hước là một năng khiếu trời phú và những lời nói hài hước hoặc nói đùa phù hợp khiến không khí của buổi nói chuyện trở nên hài hoà hơn. Nhưng phải hết sức cẩn thận và đúng mực khi áp dụng trong cuộc đối thoại với những người bề trên, vì khi không cẩn thận, những lời nói đùa sẽ dễ trở thành “vô lễ”. Bài học rút ra ở đây chính là nói đùa phải chú ý đến cảm xúc của đối phương và phải luôn xem xét ngữ cảnh.
Còn rất nhiều kinh nghiệm hữu ích, được chứng minh bằng các lý thuyết trong tâm lý học, vô cùng thực tế mình rút ra từ quyển sách này. Trong thế giới nghề nghiệp hiện đại, nghề nào cũng đòi hỏi bạn khả năng giao tiếp: giao tiếp để làm việc nhóm, giao điểm để hợp tác giữa các nhóm khác nhau, giao tiếp để đạt được một điều mình mong muốn, giao tiếp để thiết lập một mối quan hệ mới, v.v. Nếu bạn cảm thấy trong cuộc sống hay trong quá trình làm việc, giao tiếp chưa giúp bạn đạt được mục đích như mong muốn, đồng nghĩa với việc giao tiếp chưa hiệu quả, thì hãy tham khảo quyển sách này. Bạn có thể đọc dần, nghiền ngẫm và áp dụng để khiến công việc của bạn trở nên thuận lợi và nhẹ nhàng hơn!