Giỏ hàng

HỌC CÁCH KẾT NỐI - NÂNG CAO ƯU THẾ CỦA BẢN THÂN

Nơi những người giỏi giang tập hợp lại giống như một khu rừng nhiệt đới, chỉ cần với một hạt giống “thiện” và “trí” nhỏ bé, những người giỏi giang sẽ không ngừng va chạm với nhau và tạo ra phản ứng hóa học mạnh mẽ, tạo nên sức mạnh có thể thay đổi trời đất. Người giỏi giang chính là đòn bẩy, giúp chúng ta nhận được báo đáp xứng đáng với những nỗ lực đã bỏ ra. Hãy thử nghĩ xem, nếu trong cộng đồng của bạn ai ai cũng giỏi giang, vậy thì làm sao bạn có thể không giỏi chứ? 

Hãy cùng xem Tông Nghị và Tống Văn Dược trong Tư duy phi đối xứng nói về Tư duy kết nối cùng với việc học cách kết nối nhân tài đem về thành thành công như thế nào nhé! 

KẾT NỐI NHÂN TÀI VÀ NÂNG CAO ƯU THẾ 

Tạp chí Harvard Business Review từng cho đăng một bài viết bởi thầy Thôi Chi Du, Liêu Kiến Văn của Học viện Kinh doanh Trường Giang. Bài viết có tựa đề “Hình thức cạnh tranh của doanh nghiệp trong tương lai – Ưu thế cạnh tranh + Ưu thế sinh thái”. Bài viết này nói rằng trong tương lai, doanh nghiệp không những có ưu thế cạnh tranh mà còn có ưu thế sinh thái. “Ưu thế cạnh tranh” chỉ sức chiến đấu của từng cá thể, còn “ưu thế sinh thái” chỉ khả năng liên kết với những người khác, hình thành nên hiệu ứng hợp tác, khiến cho ưu thế cạnh tranh của bản thân trở nên lớn hơn. Trong hệ tọa độ ưu thế cạnh tranh và ưu thế sinh thái, chúng ta có thể chia doanh nghiệp thành bốn kiểu: (1) kiểu gấu trúc (2) kiểu mãnh hổ (3) kiểu bầy kiến (4) kiểu bầy sói. Con người cũng tương tự như thế, không những phải phát triển ưu thế cạnh tranh của bản thân, mà còn phải kết nối với nhiều người giỏi, hình thành nên ưu thế sinh thái.  

Góc trái phía dưới của ma trận là gấu trúc, cạnh tranh cá thể yếu, ưu thế sinh thái cũng yếu, nếu không có chính sách bảo vệ tự nhiên của nhà nước thì có lẽ giống loài này đã sớm tuyệt chủng rồi. Có một số cá nhân hoặc doanh nghiệp, giá trị cốt lõi của họ tương đối yếu, cũng không biết cách kết nối với những đối tác mạnh hơn. Những cá nhân hay doanh nghiệp kiểu này nếu không chịu thay đổi từ gốc thì tương lai của họ thực sự rất đáng lo ngại.  

Hãy tham khảo hình dưới đây:  

Hình ảnh từ sách Tư Duy Phi Đối Xứng - Tông Nghị & Tống Văn Dược

 

Góc trái phía trên của ma trận là mãnh hổ, có ưu thế cạnh tranh rất mạnh, nhưng ưu thế sinh thái không rõ ràng, vì chúng thích cô độc, tự mình hành sự, không thích liên kết. Mãnh hổ khi sống trong rừng rậm thì rất oai phong, là vua của rừng núi. Nhưng nếu đến vùng bình nguyên rộng rãi thì ưu thế đó liền biến mất. Trong thời đại công nghiệp, doanh nghiệp, cá nhân kiểu mãnh hổ rất được yêu thích, vì môi trường cạnh tranh không bị chia năm sẻ bảy cho những doanh nghiệp khác, khu vực khác, tương tự như một khu rừng khép kín. Nhưng sự phát triển của kinh tế Internet khiến ranh giới giữa các ngành nghề, khu vực ngày càng trở nên mơ hồ. Rừng núi trở thành bình địa, khi đối diện với bầy sói, ưu thế cạnh tranh của mãnh hổ lập tức biến mất. Do đó, nếu mãnh hổ có chút ý thức về rủi ro, chúng không được ngủ quên trong rừng rậm, phải học cách liên kết với những con hổ khác, hay thậm chí là giống loài khác, đi theo tổ chức để hình thành ưu thế sinh thái.  

Góc phải phía dưới của ma trận là bầy kiến, mặc dù ưu thế cạnh tranh của từng cá thể là không cao, chúng có năng lực tổ chức hợp tác rất mạnh, với tư cách là một tập thể, sức mạnh của chúng rất đáng gờm. Mặc dù sức cạnh tranh của từng cá thể yếu, nhưng chúng có năng lực quan sát và độ nhạy cảm cao, giỏi nắm bắt cơ hội mới, cũng giỏi liên kết để cùng nhau nắm bắt cơ hội mới. Do đó, môi trường càng phức tạp, càng biến động, cơ hội của bầy kiến càng nhiều. Nhưng suy cho cùng, năng lực cạnh tranh của kiến rất yếu ớt, quy mô của bầy kiến lớn đến đâu cũng không thể nào sánh được với bầy sói. Trong tiểu thuyết của Lưu Từ Hân có câu “ta tiêu diệt ngươi, điều đó không liên quan gì đến ngươi”, đây chính là tuyên ngôn của kẻ mạnh – có ưu thế cạnh tranh phi đối xứng – dành cho bầy kiến. Do đó, mỗi cá thể trong bầy kiến không được phép nghĩ rằng vì mình có tổ chức nên mình được lơ là. Ngược lại, chúng phải nỗ lực hết sức có thể, phát triển lớn mạnh, trở thành giống loài lợi hại nhất.  

GIÁ TRỊ CỦA BẠN LÀ GIÁ TRỊ TRUNG BÌNH CỦA NĂM NGƯỜI BẠN TIẾP XÚC NHIỀU NHẤT 

Jim Rohn – thương gia kiêm triết gia – từng nói: “Giá trị của bạn là giá trị trung bình của năm người bạn tiếp xúc nhiều nhất.” Muốn biết không gian phát triển của một người lớn đến đâu, phải xem xét những người mà người đó thường tiếp xúc. Có người thích tiếp xúc với người kém hơn mình, họ cảm thấy dễ chịu hơn, có cảm giác thành công hơn khi ở trong nhóm đó; nhưng lại có những người thích tiếp xúc với người giỏi, cảm nhận khoảng cách giữa mình với người giỏi, tìm cơ hội học tập từ người giỏi. Loại sau thường có nhiều cơ hội hơn, vì tiếp xúc với nhiều người giỏi, cách tư duy, tầm nhìn… ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng, dần dần cũng trở thành người giỏi. 

 

Sách Tư Duy Phi Đối Xứng - Tông Nghị & Tống Văn Dược

Liên kết được chia làm hai loại: mạnh và yếu, chỉ liên kết mạnh mới giúp chúng ta nâng cao cơ hội của bản thân. Để tạo ra quan hệ với người giỏi không khó, chúng ta có thể tạo liên kết với Jack Ma bằng cách mua hàng trên Taobao, tạo liên kết với Vương Kiện Lâm bằng cách mua vé xem phim ở hệ thống Wanda… Nếu muốn liên kết kiểu mặt đối mặt, còn có thể bỏ tiền mua thời gian của người giỏi, hẹn họ đi uống cà phê… Tuy nhiên những cách làm này khó lòng tạo ra liên kết bền vững, có chiều sâu với những người giỏi, bản thân bạn cũng khó mà thực sự trưởng thành. Nhiều nhất thì bạn chỉ có thể khoe khoang về điều đó trên mạng xã hội của mình. Chỉ khi bạn có vốn liếng tương đương như những người tài giỏi, có giá trị đồng đẳng với họ, thì bạn mới có thể thực sự làm bạn với họ, mới học được bí quyết giúp họ trở nên tài giỏi. 

Sự kết nối giữa người với người và sự ảnh hưởng lẫn nhau lớn ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Lí thuyết sáu chặng phân cách cho chúng ta biết, khoảng cách giữa ta với một người xa lạ không bao giờ vượt qua sáu người. Nó có nghĩa là chúng ta chỉ cần thông qua tối đa năm người là có thể làm quen với một người lạ bất kì. Trong thời đại số, tầm ảnh hưởng của lí thuyết này ngày càng rộng rãi, nó khiến cho sự kết nối giữa người với người trở nên hỗn độn và phức tạp, giống rừng nhiệt đới chứ không phải nông trại. Hôm nay gieo một hạt giống “nhân”, không biết về sau nó sẽ kết ra “quả” gì. Hạt giống của “quả” đó lại có bao nhiêu % xác suất nảy mầm, sau khi lớn lên lại kết ra “quả” gì… Quá trình nhân quả lặp đi lặp lại, chúng ta không thể tưởng tượng được một cánh bướm sẽ tạo nên cơn bão lớn thế nào. Nơi những người giỏi giang tập hợp lại giống như một khu rừng nhiệt đới, chỉ cần với một hạt giống “thiện” và “trí” nhỏ bé, những người giỏi giang sẽ không ngừng va chạm với nhau và tạo ra phản ứng hóa học mạnh mẽ, tạo nên sức mạnh có thể thay đổi trời đất. Người giỏi giang chính là đòn bẩy, giúp chúng ta nhận được báo đáp xứng đáng với những nỗ lực đã bỏ ra. Hãy thử nghĩ xem, nếu trong cộng đồng của bạn ai ai cũng giỏi giang, vậy thì làm sao bạn có thể không giỏi chứ?