Những Bài Học Không Có Nơi Giảng Đường - Bạn Đã Có Kế Hoạch Hậu Tốt Nghiệp
Đối với hầu hết mọi người, thời điểm tốt nghiệp ra trường là một bước ngoặt lớn khi họ phải tự đưa ra những quyết định, những hướng đi, tự chịu trách nhiệm về cuộc đời mình. Việc điều chỉnh và thích nghi với môi trường mới thường làm con người bối rối, khiến những sinh viên cảm thấy mất phương hướng sau khi tốt nghiệp, sau khi đã dồn hết mọi sự tập trung và nỗ lực để có được tấm bằng.
Cuốn sách Những bài học không có nơi giảng đường
Với những kinh nghiệm đúc kết từ những khó khăn trong quá trình phát triển sự nghiệp của chính bản thân mình, Jamson Chia, doanh nhân người Singapore và là giám đốc công ty tư vấn dịch vụ tài chính Strategic Alliance, đã viết nên cuốn sách Những bài học không có nơi giảng đường để chia sẻ 8 bài học mà những sinh viên tốt nghiệp cần biết để tìm được hướng đi đúng đắn cho bản thân khi đứng trước ngã rẽ quan trọng của cuộc đời.
Không giống như những tác giả khác trong thể loại này, Jamson kể lại những trải nghiệm của mình trong bối cảnh của đất nước Singapore nhưng lại giúp người đọc khám phá cá tính của chính họ. Cuốn sách này không phải là một cuốn cẩm nang tự phát triển bản thân điển hình với những trích dẫn tạo động lực hay những câu chuyện từ-nghèo-khó-thành-giàu-có. Nó cũng không đưa ra một công thức duy nhất để thành công.
Thay vào đó, Jamson nói từ tận đáy lòng mình như một người Singapore bình thường đã phải đối mặt với những kỳ vọng trần tục và chia sẻ những kinh nghiệm mà anh học được thông qua những mẩu chuyện nhỏ. Qua những mẩu chuyện như vậy, người đọc sẽ thấy được cách phản ứng và suy nghĩ của tác giả cũng như từng bước lấy lại quyền kiểm soát đối với cuộc sống của mình. Theo đúng phong cách sách hướng dẫn học tập của Singapore, mỗi chương của cuốn sách này sẽ kết thúc bằng một thông điệp cô đọng then chốt để việc đọc đạt hiệu quả.
Cuốn sách này sẽ đóng vai trò như một người hướng dẫn, một công cụ soi sáng quãng đường tiếp theo cho bạn. Nó sẽ chỉ cho bạn biết cần phải làm gì tiếp theo, dạy bạn cách xây dựng sự nghiệp của riêng mình, tránh mắc phải những sai sót đáng tiếc qua những câu chuyện và trải nghiệm vừa thú vị vừa vô cùng gần gũi của chính tác giả.
Những bài học không có nơi giảng đường
Bài học thứ nhất: Bắt đầu với một thái độ đúng
Thái độ chính là cách mà bạn tiếp cận, phản ứng với một điều gì đó. Mọi người xung quanh sẽ chú ý đến thái độ và tính cách của bạn bởi họ quan tâm đến việc bạn sẽ ảnh hưởng thế nào tới họ. Vì vậy, cách bạn thể hiện và thái độ của bạn trước mỗi nhiệm vụ công việc là yếu tố quan trọng trong con đường sự nghiệp của bạn. Tác giả Jamson Chia sẽ đưa cho bạn những lời khuyên để bạn từng bước nuôi dưỡng thái độ đúng đắn.
Bài học thứ hai: Mạng lưới quan hệ của bạn rất đáng giá
Tài sản lớn nhất ngoài gia đình đó là bạn bè. Nếu không có mạng lưới quan hệ đó, chúng ta không thể làm được nhiều việc. Thông qua nó, chúng ta gặp gỡ mọi người và tạo nên nhiều cơ hội cho công việc cũng như cho cuộc sống. Việc xây dựng các mối quan hệ làm ăn sẽ đem lại hiệu quả, nhưng chỉ thiết lập mối quan hệ với những người trong nghề hoặc lĩnh vực bạn muốn tham gia vào thì không phải là cách tốt nhất. Mạng lưới quan hệ của bạn chính là một loại nguồn lực, mạng lưới quan hệ hiệu quả sẽ sử dụng số lượng cơ hội có hạn để tương tác và tạo nên ấn tượng lâu dài nhằm giúp bạn trở nên nổi bật trong hàng nghìn người mới tốt nghiệp.
Tạo dựng mối quan hệ là cách tốt nhất để bạn có được việc làm hay công việc thực tập. Đó cũng là một cách tốt để học hỏi và bắt kịp những điều mới trong lĩnh vực mà bạn lựa chọn. Nếu bạn đã có được công việc đầu tiên, thì tạo dựng mối quan hệ chính là cách để bạn thăng tiến. Nếu bạn mong muốn thay đổi con đường sự nghiệp của mình thì các mối qua hệ của mình có thể là chìa khoá mở ra trước mắt bạn những cánh của mới. Mạng lưới quan hệ là nguồn lực chủ chốt của bạn và những nỗ lực xây dựng nó sẽ được đền đáp trong cuộc sống cá nhân cũng như trong công việc của bạn.
Bài học thứ ba: Hãy bắt đầu nhỏ
Luôn khao khát kiến thức, bạn càng biết nhiều bạn càng gia tăng giá trị cho nhiều tổ chức và bạn càng tiến bộ nhanh hơn. Những kiến thức bạn học hỏi thêm được sẽ giúp ích cho bạn.
Công việc tập sự là công việc được chỉ định cụ thể cho những sinh viên mới tốt nghiệp vì họ chưa có hoặc có rất ít kinh nghiệm trong lĩnh vực mình sẽ ứng tuyển, chúng giống như sự chuẩn bị cho sự nghiệp mà họ ước mơ tạo dựng. Nhưng những người làm công việc tập sự có xu hướng nhìn nhận chúng như những rắc rối vì công việc này đòi hỏi nhiều công sức nhưng lại trả lương thấp. Bạn cần giảm bớt căng thẳng và coi công việc đầu vào như một trải nghiệm để chuẩn bị bước vào thế giới thực. Có thể chắc chắn khi nói rằng lý lịch của bạn không có gì đặc biệt khi ra khỏi phạm vi nhà trường, thay vào đó bạn phải nỗ lực hàng năm trời để đạt được một số kinh nghiệm gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Và công việc tập sự sẽ giúp bạn làm điều đó, làm cho lý lịch của bạn phong phú hơn, đem đến cho bạn một quy trình để học hỏi và góp phần tạo nên tính cách của bạn.
Thực tập: Học hỏi với chi phí thấp
Các ông việc thực tập là cơ hội để học hỏi với chi phí thấp. Mọi người thường rộng lượng với các thực tập sinh và điều tồi tệ nhất có thể xảy ra chỉ là bạn bị yêu cầu nghỉ việc. Thực tập là một bước đệm quan trọng khi bạn có một công việc thực sự. Các công việc thực tập cho bạn kinh nghiệm làm việc và làm phong phú lý lịch của bạn. Chúng thể hiện đạo đức nghề nghiệp của bạn. Chứng nhận thực tập là bằng chứng cho thấy bạn đã làm việc chăm chỉ và sẵn sàng từ bỏ thời gian rảnh rỗi cũng như những cuộc vui.
Các công việc thực tập không chỉ giúp sinh viên có được kinh nghiệm mà còn tạo nên những mối quan hệ xã hội tốt, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá và xem bạn sẽ trở nên như thế nào trong môi trường làm việc. Những thực tập sinh thường phàn nàn công việc này ít ý nghĩa, lương thấp và thiếu cơ hội tiếp cận lãnh đạo công ty. Những suy nghĩ đó thật không đúng đắn, những điều các bạn học được quan trọng hơn nhiều số tiền các bạn làm ra. Ngay cả khi bạn được giao một công việc tạp vụ như đi mua café thì đó cũng là cơ hội để gặp được CEO và nhận được câu trả lời hữu ích cho một số câu hỏi.
Làm những công việc đầu tiên một cách nghiêm túc, bạn sẽ học được nhiều điều từ chúng và kết quả là bạn sẽ đặc biệt hơn trong mắt của nhà tuyển dụng sau này.
Những bài học không có nơi giảng đường
Bài học thứ tư: Bạn có những phẩm chất cần thiết để trở thành ông chủ
Nếu bạn muốn có một công việc kinh doanh riêng và quản lý nó theo ý của bạn thì bạn phải ngăn sự tiêu cực và tránh xa những người nói rằng bạn không làm được điều đó. Bạn có thể nhận sự giúp đỡ nếu bạn không có năng khiếu kinh doanh nhưng nếu bạn không kiên trì và tin tưởng chính bản thân thì tất cả mọi thứ chỉ là con số 0. Một doanh nhân thành công không cần thiết phải vượt qua bài kiểm tra với kết quả mĩ mãn, thay vào đó, để thàng công họ đặt ra mục tiêu, hành động, đo lường kết quả và không bao giờ bỏ cuộc.
“Tại sao bạn lại muốn bắt đầu một công việc kinh doanh ?” Hãy làm những việc cụ thể, thay vì những ý tưởng trừu tượng không mang lại tinh thần tích cực cho bạn. Hãy viết ra tất cả mục tiêu của bạn, một trong những chìa khoá quan trọng nhất để mở ra cách cửa thành công là nghĩ trên giấy. Sau đó, đặt ra một thời hạn, nếu nó là một mục tiêu lớn, hãy đặt ra thời hạn cho từng gia đoạn. Một khi đã đặt ra một thời hạn hãy liệt kê tất cả mọi thứ bạn có thể nghĩ ra để giúp bản thân đạt được mục tiêu. Sắp xếp danh sách đó thành một kế hoạch theo mức độ ưu tiên và mức độ quan trọng. và cuối cùng, thời điểm hành động đã đến. Đừng để một ngày trôi qua mà bạn chẳng có một hành động gì giúp mình tiến lên phía trước.
Bài học thứ năm: Làm chủ tiền bạc
Dù bao nhiêu tuổi hay làm nghề gì, việc làm chủ được tài chính cá nhân luôn là một việc cần thiết. Một kế hoạch tiết kiệm tốt, một kế hoạch chi tiêu khôn ngoan sẽ giúp bạn quản lý và sử dụng tiền bạc của mình hiệu quả và có đủ tiền để làm những việc bạn muốn. Quản lý tài chính cá nhân không chỉ quan trọng khi bạn đã là sinh viên tốt nghiệp ra trường. Ngay cả khi bạn còn đi học, việc xây dựng cho mình khả năng làm chủ tiền bạc vẫn rất hữu ích. Jamson sẽ hướng dẫn bạn cách để có một kế hoạch tiết kiệm hiệu quả, chi tiêu khôn ngoan và xây dựng ngân sách của bạn.
Tài chính không nên là một gánh nặng. Với việc xây dựng ngân sách và các chiến lược quản lý tiền bạc cẩn thận, bạn có thể tiết kiệm đủ tiền để mua những thứ bạn muốn và thoát khỏi nợ nần.
Bài học thứ sáu: Sống khỏe mạnh
Một sai lầm mà nhiều người, bao gồm cả chính Jamson, đều mắc phải, đó là làm việc mà không chú ý đến sức khỏe của mình. Dù gì đi nữa, bạn cũng không nên bán sức khỏe của mình để làm việc điên cuồng, vì sau đó bạn sẽ phải sống dựa vào thuốc men trong phần đời còn lại. Hãy có kế hoạch để xây dựng một lối sống lành mạnh, giữ gìn sức khỏe của mình để có một cơ thể khỏe mạnh hơn, bền bỉ hơn.
Trong cuộc sống bận rộn hằng ngày, bạn đừng quên chăm sóc sức khỏe của mình và đổi lại bạn sẽ có một cơ thể khỏe hơn, bền bỉ hơn và được bảo vệ khỏi bệnh tật.
Cuốn sách Những bài học không có nơi giảng đường của Jamson không tạo ra một khuôn mẫu để mọi người làm theo mà là những chỉ dẫn để mỗi người dựa vào tính cách và hoàn cảnh của riêng mình tự định hướng và tìm ra con đường thành công trong sự nghiệp.
Với những bài học của Jamson Chia, những bạn sinh viên sắp tốt nghiệp hay đã tốt nghiệp sẽ tìm được những việc mình cần làm, cần lưu ý để tạo dựng nên con đường sự nghiệp của mình. Những bài học này đều ngắn gọn, cô đọng nhưng có đầy đủ những lời khuyên cần thiết và hữu ích dành cho các bạn sinh viên đang bối rối khi đứng trước một bước ngoặt lớn của cuộc đời.