Giỏ hàng

Tại Sao Tuổi Trẻ Cần Thất Bại?

Tuổi trẻ, người ta thường lo sợ sự mông lung và thất bại; nhưng bạn có biết không, kẻ thù thực sự của giới trẻ không phải là thất bại mà lại chính là sự thành công.

Khi thành công đến với ta quá sớm

Thành công ở tuổi hai mươi thường khiến chúng ta rơi vào cái bẫy của sự ảo tưởng, rằng chúng ta đủ giỏi giang và bản lĩnh để biến mọi ước mơ thành sự thật. Nếu bạn bước đầu lập nghiệp và đã ngay lập tức thành công, có thể nói đó là khởi đầu đáng mơ ước và ngưỡng mộ với bất kỳ ai; và nếu bạn vẫn duy trì phong độ, sự khiêm tốn, ham học hỏi và cầu tiến ấy để đi tiếp, hẳn là bạn sẽ gặt hái nhiều thành công vượt trội hơn nữa.

Điều đáng buồn là, hầu hết các bạn trẻ sau khi đạt được một số thành công nhất định sẽ bắt đầu sống với ảo tưởng của một người tự cho mình là nhất. Bạn tin rằng mình đang ở một địa vị đáng mơ ước hơn nhiều người, bạn nghĩ bạn đã đạt được đến cái đích của thành công; mà không biết rằng, ngay khi bạn nghĩ rằng mình đang ở đỉnh của vinh quang, cũng là lúc vực thẳm đang gần kề bước chân tiếp theo của bạn.


Sách: Không Nỗ Lực Đừng Tham Vọng


Wake me up when I’m success - Hãy đánh thức tôi dậy khi tôi đang đạt đến thành công

Trên chặng đường của mỗi người, bất kỳ ai cũng phải trải qua cả những tháng ngày gian nan và hạnh phúc, phải nếm đủ cả mật ngọt và trái đắng. Thất bại không ngoại trừ bất kỳ ai, chỉ là nó tìm đến chúng ta ở những giai đoạn khác nhau của cuộc đời, và đôi khi, ta chạm mặt nó ngay lúc không một ai có thể lường trước nhất.

Thành công càng cao, thất bại càng đau. Ngay lúc bạn nghĩ rằng mình đang đạt đến thành công, bạn lại càng phải tỉnh táo cho những bước đi kế tiếp; bởi thành công luôn đi kèm với một tâm lý hiếu thắng, hiếu thắng thường sẽ dẫn đến chủ quan và sơ sót, và đó chính là ngọn nguồn của những bước sa chân.

Thành công sớm - Tự đánh giá cao bản thân và khinh nhờn đối phương

Không ai luôn luôn có thể mãi dẫn đầu ở vị trí số một, núi này cao còn có núi khác cao hơn. Cuộc sống này thú vị ở chỗ nó biến đổi không ngừng, và có đầy dẫy những con người tài giỏi đang ngày ngày gia nhập vào cuộc chiến của chúng ta. Có thể hôm nay bạn là nhất, nhưng điều đó không có nghĩa hôm sau bạn vẫn là người dẫn đầu của cuộc đua.

Hãy luôn luôn đề cao tính khiêm tốn và đặt mình ở vị thế của kẻ mới gia nhập thị trường, chỉ có thế, bạn mới không ngừng học hỏi để vươn lên và không bị rớt lại trong cuộc chiến đầy khốc liệt này.

Hãy nhớ rằng, đối thủ của bạn sẽ không vì bạn sa chân mà thương xót, cũng không vì bạn dừng lại mà dậm chân tại chỗ để chờ đợi. Chỉ có cách không ngừng học hỏi và vươn lên, bạn mới có thể trụ vững trong sàn đấu lớn của cuộc đời.

Không ai có thể uyên thâm ở tất cả các lĩnh vực

Đừng bao giờ quá tham lam. Thành công ở lĩnh vực này hoàn toàn không đảm bảo bạn sẽ thành công ở lĩnh vực khác. Sự thành công thường gây cho chúng ta tâm lý hiếu thắng và nghĩ rằng mọi việc là dễ dàng để đạt được, rằng mình hoàn toàn đủ tài năng để dấn thân vào lĩnh vực mới. Nhưng không phải vậy, mỗi chúng ta chỉ thích hợp với một, hoặc một vài lĩnh vực nào đó, hơn nữa, sự gia nhập vào một cuộc chơi mới bao giờ cũng cần sự chuẩn bị và đầu tư kỹ lưỡng của người chơi.

Hãy luôn luôn nhớ rằng, ở cuộc chơi này, bạn có thể là một lão làng giàu kinh nghiệm, nhưng khi nhảy vào cuộc chơi mới, bạn phải tạm quên vị thế ấy đi, bởi trong cuộc chơi này, rất có thể bạn chỉ mới là đứa con nít tập đi mà thôi. Tập trung vào thế mạnh của mình và chuẩn bị chu đáo trước khi bước vào thị trường mới - ấy là chìa khóa của thành công.

Không bao giờ được đánh mất niềm tin

Tự tin thái quá, ấy là vấn đề; nhưng mất đi niềm tin vào bản thân lại càng là một vấn đề đáng lưu tâm hơn. Điều nghiệt ngã nhất ở những người trẻ đôi mươi, ấy là quá dễ ảo tưởng và cũng dễ rơi vào thất vọng. Khi chúng ta còn quá trẻ và chưa đủ kinh nghiệm, chưa được mài giũa qua sóng gió; chúng ta thường không thể nào đủ bình tĩnh và can đảm để đối diện với thất bại, đối diện với những yếu kém của chính bản thân mình.

Bởi lý do đó, khi vấp phải thất bại, ta hay rơi vào trạng thái tự ti, và nếu trước đây chúng ta tự tin vào bản thân bao nhiêu, giờ sẽ càng tự ti bấy nhiêu. Chúng ta nhận ra mình không tài giỏi như những gì mình vẫn nghĩ, chúng ta thấy mặc cảm và xấu hổ với gia đình và bạn bè, và ta thấy không còn đủ dũng cảm để tin vào chính bản thân ta.

Hỡi những bạn trẻ của tôi ơi, bất kỳ ai cũng có những mặt yếu kém, hãy biết chấp nhận và đối diện với những yếu kém ấy của bản thân; không có ai là hoàn hảo cả, và bạn phải cố gắng hoàn thiện bản thân mình mỗi ngày. Hãy nhớ rằng, bạn không phải là người hoàn hảo về mọi mặt, nhưng bạn tài giỏi ở một khía cạnh nào đó. Và nếu một ngày bạn được thất bại ghé thăm,thì tốt thôi, hãy xốc lại tinh thần và chuẩn bị cho một cuộc vùng dậy mạnh mẽ hơn.


Sách: Dale Carnegie - Bậc thầy của nghệ thuật giao tiếp


Hãy cảm thấy biết ơn nếu cuộc đời cho bạn nếm mùi thất bại sớm

Người thất bại từ những bước đi đầu tiên thường là người có thể tiến xa nhất trên con đường của thành công. Điều này đã được minh chứng bởi rất nhiều những tên tuổi vĩ đại trong cả lĩnh vực kinh tế - khoa học lẫn chính trị. Cũng dễ hiểu thôi, bởi nếu bạn được cuộc đời tặng cho những cái tát đầu tiên ngay lúc còn chập chững, bạn sẽ nhận ra ngay những điểm yếu của mình và hiểu rằng mình phải cố gắng nhiều hơn để giành chiến thắng.

Thất bại sớm sẽ giúp bạn có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị và có tâm lý vững vàng hơn. Thất bại cũng cho ta nhiều bài học kinh nghiệm hơn. Vậy nên, nếu con đường bạn đi có khởi đầu gian nan hơn hẳn những người đồng trang lứa, hãy cảm thấy may mắn vì cuộc đời đã ưu ái bạn đến vậy; đã cho bạn sớm nếm trải mùi vị thực sự của thất bại để có nhiều thời gian chuẩn bị hơn cho những bước đi kế tiếp của cuộc đời.

Thành công vốn dĩ không phải là đích đến, nó là một quá trình

Đâu là đích đến của thành công? Là khi bạn đạt được chức vụ mình mong muốn? Là khi bạn dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực mình theo đuổi? Khi bạn đã đạt ngưỡng triệu phú hay tỷ phú? Thực ra, không có một đích đến chính xác của sự thành công, và thành công chưa bao giờ có điểm tận cùng. Nó là cả một quá trình mà chúng ta phải theo đuổi cả cuộc đời.

Tuy nhiên, thành công vẫn có những cột mốc để đánh dấu, và cột mốc ấy là phụ thuộc vào mục tiêu của mỗi người. Có thể với bạn, trở thành trưởng phòng là một cột mốc đánh dấu sự thành công ở độ tuổi ba mươi; nhưng với tôi, có một công việc với thu nhập ổn định và thời gian chăm sóc gia đình mới là cột mốc của thành công. Thành công, ấy còn là theo định nghĩa và mục tiêu của mỗi người.

Cho nên, thành công hay thất bại, chỉ có tự bản thân mỗi chúng ta mới có thể biết và đánh giá . Hơn nữa, thành công là cả một quá trình dài không điểm đến, cho nên nó đòi hỏi chúng ta cứ phải vươn lên và vươn lên không ngừng, học hỏi và học hỏi không ngừng; nếu không, chúng ta sẽ bị tụt lại khỏi cuộc đua.

Luôn luôn cẩn thận với sự thành công

Thất bại là đáng dè chừng; nhưng đối diện với thành công lại càng phải thận trọng hơn. Vậy nên, nếu bạn đang cảm nhận mình thành công ở một mức nào đó, hãy đề cao sự tỉnh táo và cảnh giác hơn bao giờ hết; bởi ngay lúc thành công gõ cửa, thất bại cũng kịp lúc gần kề.