Thoái Khỏi Vỏ Bọc Mang Tên Chính Mình
“Cuộc sống như một guồng quay vô tận, cứ mãi nghiền nát đi thời gian và giấc mơ của những kẻ thiếu bản lĩnh bằng vỏ bọc của sự bận rộn và những thử thách mơ hồ. Để một khi nhìn lại, họ mới giật mình nhận ra bản thân vẫn luôn “chuyển động” trong tư thế “dậm chân tại chỗ...”
Người ta nói...
17 tuổi. Xung quanh người ta khuyên rằng, họa sĩ hay nhà báo chỉ là công việc dành cho những đứa con sinh ra trong môi trường sẵn có, hoặc cha, hoặc mẹ hoặc bất cứ điều kiện nào đó thỏa mãn công thức - “Con nhà công, không giống lông cũng giống cánh”. Còn một đứa sinh ra trong một gia đình trung bình, ba mẹ đều là nông dân như tôi thì tốt hơn nên cố mà thi vào khối trường An ninh, hoặc theo học trong các trường Kinh tế, Luật hay Y, hoặc tốt hơn là nghỉ học và xin đi làm kiếm tiền ở một xí nghiệp nào đó gần nhà ngay sau khi kết thúc đời học sinh. Họ bảo rằng, nếu không có tài năng gì nổi trội, hãy chăm chỉ mà nghe theo những gì con nhà kia nói, con nhà nọ làm. Và rồi ta những năm 17 tuổi, với cái đầu ngờ nghệch về cuộc sống xung quanh, cũng dần bị thuyết phục bởi số đông những lời khuyên của “người có kinh nghiệm” mà cho rằng ước mơ của mình là xa vời với thực tế.
18 tuổi. Bắt đầu cuộc sống sinh viên với những người lạ. Có người khuyên nên đi làm thêm để có tiền phụ giúp ba mẹ, bởi những mức học phí đắt đỏ hằng năm sẽ là gánh nặng với gia đình; người lại bảo rằng nên tham gia vào các câu lạc bộ để mở rộng vòng tròn quan hệ với những người xa lạ; người lại nói nên học thêm tiếng Anh và các kỹ năng sống tại các trung tâm nổi tiếng để tăng thêm giá trị của bản thân,...
18 tuổi. Lạ lẫm và ham thích một chút với những thứ mới mẻ; lúc rụt rè, chùn bước, lúc lại quyết tâm muốn dấn thân.
Tuổi 19
19 tuổi. Có lẽ ta vẫn nhạt nhòa giữa thế giới. Vô định với tương lai.
Có thể ta lại hèn nhát mà chọn cho mình một con đường đã mòn bước để lần theo dấu chân của phần đa những kẻ bình thường khác. Hằng ngày đến trường mà chẳng để tâm với những bài học trên giảng đường, rồi đi làm thêm lại “tận tâm” với một công việc “bán thời gian” chẳng liên quan đến chuyên ngành hay sở thích, ngốn mất nhiều thời gian và sức khỏe chỉ để huyễn hoặc bản thân tự mãn nguyện với những đồng lương bé nhỏ, gục đầu vào những giấc ngủ mệt nhoài. Ngày qua ngày, lặp lại như một vòng luẩn quẩn không lối thoát.
Tuổi 19. Ta cứ mải mê đi vòng vòng trong cái ranh giới an toàn mình tự vạch ra mà mù quáng cho rằng nó thật hoàn hảo. Giữa cái thời khắc mà người ta gọi là “tuổi trẻ”, giữa khoảng thời gian được gọi là “thanh xuân”, những tháng năm mạnh mẽ và ồn ào nhất cuộc đời, ta lại nhút nhát, yếu đuối và bị thế giới xung quanh nhào nặn chả khác gì cục đất sét lem nhem những màu sắc nham nhở mà lũ trẻ mầm non vẫn thường thích thú, nhưng lại không hề nhận ra cái dáng vẻ đáng thương của chính mình.
Ngày qua ngày chăm chăm tìm kiếm hai chữ “an toàn” khi đang lúng túng lạc bước đi theo đoàn người lạ lẫm giữa “sân chơi cuộc đời”.
Lớp vỏ bọc bấy lâu ta dày công tạo dựng bỗng vỡ vụn, một cái ta yếu đuối trần trụi đối mặt với cuộc đời. Ta nhận ra điều thực sự quan trọng với mình không phải là một lớp vỏ bọc được uốn vào cái khuôn cá tính, càng không phải là kiêu ngạo tự phụ, cũng chẳng phải khác biệt mới lạ. Vốn dĩ gây ấn tượng, được chú ý có ý nghĩa gì nếu con người được biết đến ấy không phải là mình, mà chỉ là một vỏ bọc, chắc chắn một lúc nào đó cũng bị người khác phát hiện. Nhưng đáng sợ hơn nữa là đến một ngày chẳng thể thoát khỏi vỏ bọc đó.
Mặc kệ người ta nói, dũng cảm lên đi!
Cớ sao ta lại phải quan tâm và lãng phí nhiều thời gian để nghe ngóng xem người khác nghĩ gì về mình?
Cớ sao ta lại mò mẫm đi theo lối mòn của số đông như một đứa mù đường tuyệt đối tin vào Google Map bất chấp mà đi vào làn đường một chiều?
Ta đang dần quên đi việc lắng nghe bản thân, thấu hiểu những tâm tư của chính mình mà đặt cược hết khoản thời gian quý giá của mình vào việc nhập vai một diễn viên nghiệp dư, để rồi luôn luôn cố gắng lắng nghe, hồi đáp và biến hóa mình theo cái nhìn và sự đánh giá của người khác. Có thể ta chỉ đang cố chứng tỏ rằng ta tốt trong mắt họ, ta là người mà chẳng ai có thể trách cứ hay phê bình, nhưng trên thực tế, mọi nỗ lực là vô bổ và hoàn toàn sai khuấy.
Chỉ vì thiếu dũng cảm...
Phán xét của bất cứ ai về cách bạn sống hay những thứ bạn chọn lựa cũng luôn luôn chỉ là những lời kết án một chiều, thiếu công tâm với chính bạn. “Phiên toà cuộc đời” chẳng áp dụng những bộ luật cụ thể để có thể giúp bất kỳ vị thẩm phán nào đưa kết luận ai đúng, ai sai. Vậy còn chờ gì nữa mà không tự cởi trói cho bản thân, dũng cảm đứng lên và bỏ qua những góc nhìn phiến diện đã gây nhiều phiền nhiễu ấy đi?
Trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi cũng thành đường thôi….
Chẳng có mẫu số chung nào cho thành công, hạnh phúc hay niềm vui của tất cả mọi người vì cuộc sống đâu phải là những phân số trong toán học. Khi thậm chí mỗi cá nhân lại có định nghĩa riêng về mọi phạm trù xung quanh, thì tại sao ta lại phải bước theo số đông chỉ vì cảm thấy sợ sai lầm và bị chê cười?
Ai cũng nói về đam mê, ai cũng kháo nhau về công thức cho những chiếc bánh thành công, hạnh phúc. Nhưng có lẽ chỉ số ít trong tất cả bọn họ dám đeo bám con đường của chính họ vạch ra, dám một lần tin theo công thức riêng của chính họ sáng tạo mà chẳng hề xao động bởi những lời ong muỗi vo ve. Thậm chí số đông còn lại thường lạc lối trong ma trận của những điều mà cả thế giới vẫn ra rả hằng ngày bên tai.
Lỗ Tấn từng nói: “Trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi cũng thành đường thôi”. Thế nên, tuổi trẻ à! Thôi đong đưa theo gió, thôi bước theo lối mòn, thôi hòa mình vào đám đông, thôi túm tụm lại ở những nơi huyên náo, màu mè, đã đến lúc lần theo niềm tin của mình mà đi rồi.
Hóa ra những âm vang rực rỡ của tuổi trẻ bắt đầu từ những thanh âm câm lặng.
Bạn trẻ à, ta có thể chênh chao trước nhiều quyết định, ngờ vực những giá trị sẵn có, và tự đáy lòng tồn tại một khát vọng mãnh liệt, khát vọng khẳng định mình. Nhưng ta hãy sống những giây phút tuổi trẻ thật đẹp bạn nhé.