PHÁT HÀNH SÁCH: TIP CÔNG SỞ 2 - KHẢ NĂNG TÁN GẪU
Tip công sở 2: Khả năng tán gẫu” chính là một cuốn sách “gối đầu giường” dành cho những bạn muốn tăng khả năng giao tiếp.
Hoàn toàn có thể kết luận rằng người giỏi tán gẫu có khả năng thành công cao, bởi vì họ biết cách tùy theo từng đối tượng và hoàn cảnh mà áp dụng những phương thức trò chuyện khác nhau. Nhìn bề ngoài có vẻ như là trò chuyện đơn giản mà thôi, nhưng bên trong lại hàm chứa rất nhiều kĩ năng giao tiếp. “Tip công sở 2: Khả năng tán gẫu” chính là một cuốn sách “gối đầu giường” dành cho những bạn muốn tăng khả năng giao tiếp.
Thế nào là khả năng tán gẫu?
Tán gẫu là phương thức giao tiếp không mới nhưng có thể giúp ngắn khoảng cách dễ dàn, thúc đẩy đôi bên hiểu biết sâu hơn về nhau. Vì vậy tán gẫu chiếm vị trí vô cùng quan trọng trong giao tiếp hằng ngày, có tác dụng then chốt khi điều hòa các mối quan hệ. Hình thức tán gẫu thường gặp nhất là chào hỏi và trò chuyện. Có nhiều người thường cân nhắc rất kĩ trước khi tán gẫu với người khác, xét tới tầm hiểu biết của đối phương về chủ đề mình đưa ra, ngữ khí khi nói, tính thực tế, phong phú của nội dung… Thực ra để tán gẫu thành công, điều cần chú trọng hơn cả chính là giữ cho cuộc trò chuyện được thuận lợi, trôi chảy; ở một mức độ nào đó tính thực tế của nội dung chỉ xếp ở vị trí thứ hai.
Chào hỏi và trò chuyện
Hẳn rất nhiều người sẽ thấy hết sức lúng túng, ngượng ngập khi trò chuyện với những người không thân thiết, thậm chí xa lạ. Tuy vậy chúng ta có thể bắt đầu từ việc chào hỏi và trò chuyện cơ bản nhất.
1. Bước đầu tiên chính là chào người khác trước
Muốn triển khai được một cuộc tán gẫu, đầu tiên chúng ta phải biết cách chào hỏi người khác. Bởi vì một vài câu chào hỏi đơn giản chính là tín hiệu để chúng ta truyền đạt tới đối phương nguyện vọng trò chuyện cùng họ.
Có một vài phương thức chào hỏi phổ biến, một là chào đối phương, như “Xin chào”, “Chào buổi sáng”. Cách thứ hai là thể hiện sự quan tâm tới đối phương, ví dụ hỏi những câu như: “Ăn cơm chưa?”, “Hôm nay thế nào?”. Còn có một cách khác, đó là thể hiện cảm giác của bản thân, ví dụ: “Ái chà, gần đây trời chuyển lạnh rồi”, “Mình vừa làm thêm giờ xong, mệt mỏi quá, còn cậu thế nào? Công việc bận không?”
2. Chỉ chào hỏi thì thôi chưa đủ, phần trò chuyện phía sau mới là quan trọng
Nếu nói chào hỏi là phương tiện hữu ích giúp tạo ấn tượng đầu tiên tốt đẹp với đối phương thì quá trình tán gẫu sau đó chính là mấu chốt để có thể rút ngắn khoảng cách giữa đôi bên. Bởi vậy, sau khi chào hỏi dạo đầu, cần tìm một chủ đề nhẹ nhàng để bắt đầu tán gẫu.
Tùy từng đối tượng mà ta nên có những chủ đề phù hợp. Yêu cầu cơ bản là điều đó phải khiến đối phương quan tâm, hưởng ứng. Ví dụ, đối tượng là đồng nghiệp thì chúng ta có thể trò chuyện về công việc, là hàng xóm, chúng ta có thể nói đến vấn đề quản lí tài sản chung của cộng đồng… Tóm lại là phải tìm ra chủ đề mà đôi bên có chung sự quan tâm, để cuộc tán gẫu được triển khai thuận lợi.
Tán gẫu không hề khó, mấu chốt là trước những đối tượng hay hoàn cảnh khác nhau, phải căn cứ vào tình hình thực tế để chọn ra chủ đề có thể kích thích sự cộng hưởng đôi bên.
Thoạt nhìn qua, ta có thể kết luận rằng việc tán gẫu vốn chỉ là trò chuyện đơn giản mà thôi, chẳng cần đến kiến thức gì cao siêu. Nhưng kì thực, nội hàm hoạt động này là những kĩ năng giao tiếp từ thấp đến cao. Phương thức giao tiếp này không hề mới mẻ, bản chất chính là chào hỏi và trò chuyện, nhưng chào hỏi và trò chuyện như thế nào để đạt được hiệu quả giao tiếp tốt thật sự không hề đơn giản. Không chỉ đơn thuần cung cấp những kiến thức, tình huống và những mẹo hữu ích, cuốn sách “Tip công sở 2: Khả năng tán gẫu” còn có những hình minh họa trực quan, sinh động, giúp người đọc hiểu rõ hơn về nội dung trong đó.