Review: Đừng Chỉ Là Hi Vọng - Dũng Cảm Thử Sức, Cất Cánh Bay Xa
Thông qua Đừng chỉ là hi vọng – một trong bốn cuốn sách thuộc bộ sách Cùng Dale Carnegie tiến tới thành công, tác giả Xiong Li Fan đã đưa ra những bài học được xây dựng dựa trên lời khuyên đắt giá của Dale Carnegie: “Hãy mạo hiểm đi! Đời người vốn là một cuộc thám hiểm, người có thành tựu nhất chính là người dám thử sức. Con thuyền chỉ muốn an toàn sẽ chẳng bao giờ rời cảng xa được”.
Bạn sống hay tồn tại
Bạn có biết sự khác nhau giữa “sống” và “tồn tại” là gì không? “Tồn tại” chỉ việc bạn đang là một thực thể sống còn “sống” không chỉ đơn thuần là một thực thể sống mà là một thực thể “sống động”, tức là bạn có sự kết nối với người khác, có quyền, nghĩa vụ và tạo nên giá trị đích thực cho cuộc sống này. Vậy nếu được chọn lựa, bạn chọn “tồn tại” hay “sống”?
Mỗi chúng ta đều tự cho rằng mình đủ mạnh mẽ, kiên cường để làm một việc gì đó, nhưng đến khi hành động, vô hình chung “bản lĩnh” lại cất trong tủ kính để trưng bài mà chẳng hề sử dụng đến. Chúng ta có một thói quen vô cùng xấu, chính là khi khó khăn ập đến, ta mong chờ nó trôi qua nhanh, ta mong chờ ngày mai thức dậy mọi thứ sẽ yên bình. Không! Bạn có chắc mình sống được 100 tuổi, bạn có chắc ngày mai mọi chuyện sẽ tự nhiên “ổn” khi mình không làm gì và bạn có chắc rằng khó khăn này qua đi thì mọi chuyện sẽ tươi sáng mà không có thứ nào cản đường ngăn lối con đường đến với thành công? Nếu không trải qua đau thương, vấp ngã liệu chúng ta có trân trọng những gì cuộc sống này ban tặng?
Giống như nhà Thành công học nổi tiếng Dale Carnegie đã nói:
Hãy mạo hiểm đi! Đời người vốn là một cuộc thám hiểm, người có thành tựu nhất chính là người dám thử sức. Con thuyền chỉ muốn an toàn sẽ chẳng bao giờ rời cảng xa được.
Hãy thấm nhuần tư tưởng mà Dale Carnegie từng khuyên: “Đây là một thời đại kịch tính hóa, bạn phải làm cho thực tế trở nên sôi nổi, thú vị”.
Nhiệt huyết đồng hành với thành công
Một người có nhiệt huyết cho dù làm nông hay kinh doanh lớn đều sẽ cho rằng công việc của mình là một thiên chức thần thánh, đồng thời có một niềm hứng thú sâu sắc với công việc đó. Người tràn đầy nhiệt huyết sẽ luôn làm việc với thái độ bình tĩnh, có trình tự, tỉ mỉ và kiên định, cho dù công việc có khó khăn đến mấy hoặc cần trui rèn nhiều như thế nào. Chỉ cần có thái độ này, chắc chắn bất cứ ai cũng sẽ thành công, chắc chắn có thể đạt được mục tiêu.
Nhiệt huyết là một yếu tố có sức mạnh vô cùng to lớn. Nhiệt huyết chính là thể hiện cảm giác hưng phấn trong lòng ra bên ngoài, khiến cho cảm giác hưng phấn phát tiết ra từ đôi mắt, gương mặt, linh hồn và toàn bộ hành động của người đó, toát ra sức sống mãnh liệt. Nhiệt huyết không phải chỉ là biểu hiện bề ngoài, nó xuất phát từ nội tâm. Khi bạn dốc hết tâm sức, thì đó cũng chính là lúc nhiệt huyết sinh ra.
Trên bàn làm việc của Carnegie đặt một tấm biển, và tình cờ là trong phòng làm việc ở Nam Thái Bình Dương của tướng MacArthur cũng treo một tấm biển, trên đó viết cùng một câu châm ngôn:
Bạn có lòng tin thì trẻ trung, hoài nghi thì già nua; có tự tin thì trẻ trung, cảm thấy sợ hãi thì già nua; có hi vọng thì trẻ trung, rơi vào tuyệt vọng thì già nua; tháng năm có thể để lại nếp nhăn lên gương mặt bạn nhưng chẳng thể lão hóa được tâm hồn.
Sở thích là chất men sáng tạo
Trên đời này có hàng trăm hàng nghìn sở thích. Có người thích sưu tầm đồ vật, có người thích đua xem, có người thích đọc sách. Tuy nhiên, cho dù thế nào, trong đời người nên có ít nhất một sở thích ý nghĩa, bởi vì sở thích có thể khiến nhiệt tình trong ta bùng cháy, thậm chí giải phóng ra sức mạnh tiềm tàng mà chính bản thân chúng ta chưa từng ý thức được.
Qua nhiều câu chuyện về người thành công, có thể thấy ở họ đều có một đặc điểm chung, đó chính là say mê công việc của mình. Trong lòng họ, công việc không chỉ là một công cụ kiếm tiền, mà là một sự nghiệp vĩ đại. Như Dale Carnegie từng nói:
Khi công việc chính là hứng thú, cuộc sống là một sự hưởng thụ! Khi công việc là một loại nghĩa vụ, cuộc sống trở thành một sự khổ sai!
Gía trị của những lời khen tặng
Chúng ta có thể khen những đặc điểm hiển hiện của người khác, và còn hơn thế nữa, ở một sự thức tỉnh rất cao, chúng ta còn có thể khen những ưu điểm tiềm ẩn nơi người khác. Những ưu điểm đó giống như những viên ngọc đnag chờ mài giũa, nó chưa bộc lộ ra rõ ràng và ta có thể giúp người khác nhận ra nó. Đó là mình đang nhìn người khác “more than they are now” – Mình nhìn nhận con người của họ tích cực và tốt đẹp hơn cả con người hiện nay của họ. Vì mình tin tưởng vào sự phát triển của họ. Chính niềm tin đó của mình lại là chất xúc tác giúp họ thật sự phát triển.
Không hiểu được người khác và không được người khác thấu hiểu, cả hai đều đáng buồn. Hãy hiểu về nỗi đau và niềm hy vọng của nhau. Tất cả mọi người đều sẽ trở thành những người tuyệt vời, khi ta đã thấu hiểu được con tim của họ. Hãy giành cho nhau những lười khen chân thành và thắp sáng những hạt giống tốt đẹp bên trong mỗi người ta gặp trên đường đời.
Carnegie cho rằng, khi trò chuyện và trao đổi ý kiến của mình với người khác, nếu bạn đúng thì bạn phải ôn hòa khéo léo làm cho đối phương đồng ý với bạn, còn nếu bạn sai thì cần phải nhanh chóng thừa nhận một cách chân thành. Làm như vậy sẽ hiệu quả và có lợi hơn tranh biện cho bản thân nhiều.
Chúng ta luôn cảm thấy khó chịu khi phải nghe những lời phê bình của người khác, nhưng nếu đối phương phê bình ta bằng thái độ chân thành và khiêm nhường, thì chúng ta sẽ dễ chấp nhận những lời phê bình của họ hơn.
Sợ hãi là hòn đá cản đường sáng tạo
Sợ hãi sẽ phân tán khả năng chú ý và tinh thần của bạn, vì vậy đừng quan tâm tới nó. Hãy tập trung vào việc bạn nên làm. Cuộc đời là một hành trình rất dài, cũng rất tối, nhưng chúng ta không nên sợ hãi vì điều đó. Người không sợ mới có đường để đi.
Chúng ta không nên nghi ngờ chính bản thân mình. Người tập trung tất cả sự chú ý vào bản thân chỉ có thể tự mình ngưỡng mộ hay tự mình thương thân mình. Nhưng nếu bạn có thể chú ý, quan tâm đến cả những người bên cạnh và sự vật xung quanh thì bạn sẽ phát hiện ra thế giới này thực sự rộng lớn, nỗi phiền não của cá nhân quả thực vô cùng nhỏ nhặt. Như Dale Carnegie từng nói: “Nếu bạn nghi ngờ bản thân, vậy thì nơi nào bạn đứng cũng sẽ không vững chãi”.
Đừng chế việc nhỏ
Để thành công, trước tiên hãy làm thật tốt những việc nhỏ.
Khi gặp vấn đề khó, nếu chỉ biết vận dụng tư duy tuyến tính để tìm cách giải quyết thì sẽ đi vào lối mòn và không thoát ra được. Bởi vậy, để đạt được thành công, cần phải biết vận dụng lối tư duy linh hoạt khi giải quyết vấn đề. Như Dale Carnegie đã từng nói:
Bạn còn định ở yên đó để tiếp tục chờ đợi cơ hội sao? Hay là sẽ bắt đầu tìm kiếm để dễ dàng tiếp cận cơ hội?
Nếu bạn đã mở cuốn sách Đừng chỉ là hi vọng ra và thử thay đổi một chút xíu, thì hãy tiếp tục kiên trì! Cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn nếu ta biết cách mỉm cười với nó, vì thế đừng ngần ngại nở ra nụ cười lạc quan với cuộc đời, với những người xung quanh, với môi trường sống, với thiên nhiên, dù cho bạn đang ở trong hoàn cảnh éo le nào. Bạn cười với gương, người trong gương cũng sẽ cười với bạn. Muốn làm cho mình vui vẻ thì trước tiên hãy làm cho người khác vui vẻ, bởi niềm vui thực sự không phải là nhận được gì, mà là cảm giác thỏa mãn khi cho đi.
Hãy trở thành người nhạc trưởng của chính cuộc đời bạn. Đừng sống vô nghĩa để rồi chết đi và mang theo xuống mồ bản nhạc có ý nghĩa nhất của đời người, chưa bao giờ được cất lên.