Review Vĩ Đại Từ Tôi Luyện Mà Thành - Thuyền Vượt Qua Đại Dương Nhờ Người Cầm Lái
Thuyền vượt đại dương nhờ người cầm lái. Con thuyền đi có nhanh hay không, có thuận buồm xuôi gió tránh được đá ngầm nước xoáy để cập bến hay không chính là trách nhiệm của người cầm lái không thể chối bỏ.
Sóng to gió lớn, chứng tỏ bản lĩnh anh hùng, người có thể chèo lái cả con thuyền doanh nghiệp vững vàng tiến lên phía trước, không ai khác chính là người lãnh đạo.
Nhiều người trong chúng ta vẫn thường hay so sánh giữa thiên tài với người bình thường, giữa tài năng của người này với người khác, hay chỉ đơn giản là so sánh ai giỏi hơn ai. Và đôi khi, nhiều người lại có xu hướng đặt “thiên tài” là một tiêu chuẩn để so sánh và đánh giá trình độ của người đối diện. Và dĩ nhiên, mọi sự so sánh trong trường hợp này đều là khập khiễng. Tiêu biểu cho hành động này chính là sự kỳ vọng quá lớn của nhiều phụ huynh đối với con em của mình. Bạn có điểm số đứng trong top 10 của lớp, nhưng bạn vẫn sẽ là nỗi thất vọng của phụ huynh, bởi “con nhà người ta” là một thiên tài và có điểm số cao thứ nhất trong top 10 đó. Cực đoan hơn, nhiều bậc cha mẹ có một suy nghĩ rằng, “trí tuệ yếu kém” của con em của họ sẽ cản trở đứa trẻ ấy trên con đường đi đến thành công chỉ bởi vì cậu bé ấy không thông minh bằng Einstein.
Điểm chung của những người thành công: Họ là những người bền bỉ hiếm có
Hãy thử nhìn vào một số ngành và lĩnh vực trong cuộc sống, ví dụ như các ngành kinh doanh, nghệ thuật, thể thao, báo chí, học thuật, y tế, luật pháp,..., và thử đặt một số câu hỏi sau:
Ai là người đứng đầu trong lĩnh vực của đó? Họ trông như thế nào? Theo bạn, điều gì khiến họ trở nên đặc biệt?
Chắc chắn những người thành công trong lĩnh vực của họ đều có những tổ chất riêng và có tính đặc thù với ngành. Tuy nhiên, điều này dường như nằm ngoài sự quan tâm của những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Các nghệ sĩ lại đề cập nhiều đến những động cơ cho sự sáng tạo: “Tôi thích làm ra thứ gì đó. Tôi không biết tại sao nhưng tôi thực sự rất thích”. Ngược lại, những người làm việc trong lĩnh vực thể thao lại nhắc đến một loại động cơ khác, đó là được trải nghiệm cảm giác là người chiến thắng trong cuộc chơi: “Người chiến thắng thích đối đầu với người khác. Người chiến thắng ghét thất bại”.
Tuy nhiên, ngoài những động cơ rất đặc thù của mỗi ngành, mỗi lĩnh vực, vẫn có những điểm chung nhất định giữa những con người xuất sắc đang dẫn đầu trong ngành và lĩnh vực ấy. Đó mới chính là điều mà chúng ta nên quan tâm hơn cả. Chúng ta vẫn biết rằng, dù là làm việc ở trong bất cứ lĩnh vực nào, những người thành công nhất trước tiên đều phải là những người tài năng và may mắn. Không thể phủ nhận điều này. Nhưng, câu chuyện về sự thành công không chỉ dừng lại ở đó. Đã có rất nhiều người được người khác biết đến như một “ngôi sao đang lên”, nhưng bất ngờ từ bỏ giữa chừng hoặc đánh mất sự đam mê trước khi họ kịp nhận ra tiềm năng của mình.
Rõ ràng, điều vô cùng quan trọng nhưng không hề dễ dàng chút nào, chính là việc phải tiếp tục đứng lên và tiến bước sau mỗi thất bại. Có rất nhiều người cảm thấy ổn khi công việc diễn ra suôn sẻ nhưng lại dễ bị suy sụp hoàn toàn khi công việc không tốt. Và có một thực tế chúng ta cần biết, đó là, những người thành công nhất thường không phải là những người quá xuất sắc ngay từ thuở ban đầu trong sự nghiệp của họ. Nhưng họ khác biệt với những người còn lại ở chỗ, họ tiến bộ theo từng ngày từng tháng từng năm. Những người thành công luôn có động cơ để nâng cao trình độ. Những người thành công là những người kiên trì và bền bỉ hiếm có.
Tại sao những người thành công lại bền bỉ đến vậy?
Tại sao những người thành công lại kiên trì theo đuổi điều mình quan tâm đến vậy? Bởi vì, với đa số những người thành công, kỳ vọng thực tế của họ không bao giờ tương thích với tham vọng. Trong mắt họ, họ chưa bao giờ đủ giỏi. Họ hoàn toàn đối lập với những người dễ bằng lòng. Nói cách khác, họ chưa bao giờ hài lòng về bản thân mình. Mỗi người đều theo đuổi điều mình quan tâm và thấy quan trọng, và chính sự theo đuổi ấy cũng như việc đạt được mục tiêu mới mang lại cảm giác hài lòng. Dù một số việc họ buộc phải làm rất tẻ nhạt, nhàm chán, ức chế, thậm chí đau đớn, họ vẫn không nghĩ đến việc từ bỏ. Đam mê của họ rất bền bỉ.
Tóm lại, dù làm việc ở lĩnh vực nào, người thành công đều có quyết tâm cao. Quyết tâm này thường diễn ra theo hai cách: Một là họ kiên cường và chăm chỉ khác thường, hai là họ biết rất rõ điều mình muốn. Họ không chỉ có quyết tâm, họ có định hướng. Chính sự kết hợp giữa đam mê và kiên trì đã khiến những người thành công trở nên đặc biệt, giúp họ trở nên khác biệt so với những người còn lại. Họ có sự bền bỉ.
Nỗ lực quan trọng gấp đôi tài năng
Chúng ta vẫn thường xuyên nghe thấy hai từ “tài năng” mỗi ngày trên các phương tiện truyền thông, trên các mặt báo điện tử, từ thể thao đến kinh doanh, từ điện ảnh đến các chương trình truyền hình giải trí,.... Kể cả trên trường chính trị cũng xuất hiện những “chính trị gia tài năng”. Có quá nhiều nội dung đề cập đến tài năng. Có lẽ, khi ai đó đạt được một thành tích đáng để viết báo, báo chí sẽ liên tục tung hô rằng người ấy có “tài năng” xuất chúng.
Tuy nhiên, nếu quá coi trọng tài năng, chúng ta sẽ vô tình xem nhẹ mọi yếu tố khác. Nó giống như chúng ta đang bỏ qua mọi yếu tố khác và mặc định coi rằng chỉ cần có tài năng thì chắc chắn chúng ta sẽ thành công trong một lĩnh vực nào đó.
Trong thực tế, thành tích xuất sắc của con người là sự tổng hòa của rất nhiều yếu tố cá nhân, tuy nhiên, mỗi yếu tố đó lại rất đỗi bình thường. Nhưng chính sự bình thường ấy lại là vỏ bọc vô cùng vững vàng.
Thành quả vượt trội thực chất là tổng hòa của nhiều kỹ năng hay các hoạt động nhỏ, mỗi người đã học hoặc va vấp với nó, rồi luyện tập chăm chỉ để trở thành thói quen và tích hợp nó trong một tổng thể nhất định. Không có gì bất thường hay siêu đẳng trong những hành động này, chỉ là các kỹ năng và những hành động ấy được thực hiện nhất quán và chính xác, điều đó đã tạo nên sự xuất sắc.
Không thể phủ nhận rằng tài năng có lẽ là một lời giải thích thỏa đáng nhất đối với thành công của một người nào đó. Tài năng là “một cái gì đó” vô hình ẩn phía sau thành quả, là thứ giúp cho “người xuất sắc” khác biệt so với những người còn lại. Đa số chúng ta không thể nào giải thích nổi tại sao một vận động viên thể thao, một nghệ sĩ đàn piano, một doanh nhân trên thị trường tài chính hay một ai đó lại có thể làm được những điều đáng kinh ngạc, và rồi chúng ta đều có xu hướng đi tới hướng kết luận: “Họ có tài!”. Nói cách khác, khi không được chứng kiến quá trình rèn luyện và va vấp để trở nên xuất sắc của một người nào đó, chúng ta thường mặc định người ấy thành công nhờ “bẩm sinh”. Điều này không hoàn toàn đúng, nhưng không khó hiểu. Chúng ta đơn giản chỉ đang nhìn thấy “bề nổi” của “tảng băng chìm” mà thôi.
Đừng quá đề cao tài năng mà đánh giá thấp sự bền bỉ
Chính sự phù phiếm và yêu bản thân của chúng ta đã khuyến khích thái độ sùng bái tài năng. Nói cách khác, việc quá đề cao tài năng bẩm sinh cho phép chúng ta “buông cần câu”. Nó cho phép chúng ta thư giãn với hiện tại. Điều này thường xuyên xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, khi chúng ta thường vô tình đánh đồng tài năng với thành công.
Vậy đỉnh cao thực sự là gì?
Người đạt được đỉnh cao là người “tư duy tích cực theo một hướng”, sử dụng mọi thứ làm phương tiện, luôn quan sát kỹ càng đời sống nội tâm của bản thân và của những người khác, nhìn thấy mô hình và động cơ ở mọi nơi, người không bao giờ ngừng kết hợp những gì sẵn có.
Thế còn tài năng thì sao? Đừng nên nói quá nhiều về tài năng hay năng khiếu bẩm sinh. Chúng ta có thể kể ra rất nhiều cái tên xuất sắc trong nhiều lĩnh vực, song đó không phải là tài năng. Họ đã đạt đến trình độ mà chúng ta vẫn gọi là “thiên tài”. Tất cả những con người ấy đều có sự nghiêm túc của một người làm việc hiệu quả. Họ biết thiết lập những thành tố riêng lẻ một cách phù hợp trước khi biến nó trở thành thành một tổng thể tuyệt vời. Họ muốn bắt đầu từ những việc nhỏ, bởi họ tìm thấy niềm vui khi làm tốt chúng. Họ cũng không bận tâm quá nhiều về một tổng thể sáng chói.
Hai phương trình dưới đây có thể giải thích cách chuyển tài năng thành thành công:
Tài năng x Nỗ lực = Kỹ năng
Kỹ năng x Nỗ lực = Thành công
Tài năng cho biết bạn cần mất bao lâu để cải thiện kỹ năng khi đầu tư nỗ lực. Thành công là điều xảy đến khi bạn nắm được kỹ năng và sử dụng nó. Lý thuyết này cho rằng khi bạn xem xét các cá nhân trong những hoàn cảnh giống nhau, mức độ thành công của mỗi người sẽ phụ thuộc vào hai yếu tố, đó là tài năng và nỗ lực. Tài năng – mức độ chúng ta cải thiện kỹ năng nhanh đến đâu – có ý nghĩa rất lớn, nhưng nỗ lực lại có ý nghĩa cao gấp đôi, chứ không phải là như nhau. Nỗ lực tạo nên kỹ năng, đồng thời nỗ lực làm cho kỹ năng trở nên hiệu quả.
Bền bỉ có sẵn trong gen của chúng ta hay không?
Tính bền bỉ, tài năng và tất cả những nét tính cách khác liên quan đến thành công trong cuộc sống chịu ảnh hưởng của di truyền và trải nghiệm. Và không chỉ có một loại gen duy nhất tạo nên tính cách bền bỉ hoặc các đặc điểm tâm lý khác ở con người.
Qua thời gian, chúng ta biết bài học cuộc sống là điều chúng ta không quên và thích nghi để phù hợp với đòi hỏi ngày càng cao của hoàn cảnh. Rõ ràng, cách suy nghĩ và hành động mới đã trở thành thói quen. Rồi đến một ngày, chúng ta còn không thể nhớ nổi sự non nớt của chính mình. Chúng ta đã thích nghi, sự thích nghi đã trở nên bền lâu, cuối cùng, nó trở thành đặc điểm nhận dạng của chính chúng ta. Quan điểm của chúng ta về các tuýp người cũng thay đổi theo. Chúng ta trưởng thành. Tính bền bỉ cũng sẽ lớn theo quá trình chúng ta trưởng thành vậy. Tính bền bỉ của chúng ta thay đổi vì nó là một chức năng của kỷ nguyên văn hóa mà ở đó chúng ta lớn lên, đồng thời chúng ta cũng sẽ trở nên bền bỉ hơn khi nhiều tuổi hơn. Tuy nhiên, những tính chất này không hoàn toàn cố định, vì trong thực tế, tính bền bỉ linh hoạt hơn chúng ta nghĩ nhiều.
Nếu bạn cho rằng thiên tài là những người có khả năng làm được những điều vĩ đại trong cuộc sống mà không cần phải cố gắng thì bạn không phải là thiên tài, tôi không phải là thiên tài, và có thể những người thân thiết của chúng ta cũng không ai là thiên tài cả. Chỉ có những người như Einstein (lĩnh vực vật lý), Mozart (lĩnh vực âm nhạc), Napoleon (lĩnh vực quân sự) hay Usain Bolt (lĩnh vực thể thao) mới là thiên tài mà thôi.
Nhưng nếu bạn cho rằng người thành công, bậc lãnh đạo tài ba lỗi lạc là những người có khả năng làm được những điều vĩ đại cho cuộc sống tươi đẹp này bằng tất cả sự đam mê, sự nỗ lực và tính kiên trì, thì chúng ta đều có thể trở thành một trong số họ. Không cần xuất chúng như những con người vĩ đại trong lịch sử loài người, chúng ta là thiên tài vì đơn giản là chúng ta đã tạo ra được những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống này bằng chính sự cố gắng và tài năng của mình.